Cổ phiếu của ArtGo Holdings Ltd. - công ty sản xuất đá hoa cương đang mở rộng sang kinh doanh bất động sản, chứng kiến sự bứt phá 3.800% - mức tăng lớn nhất thế giới trong số các công ty có vốn hoá ít nhất 1 tỷ USD. Đà tăng này gần như bị xoá bỏ hoàn toàn chỉ trong vài phút vào phiên giao dịch hôm 21/11, khi nhà đầu tư phản ứng với quyết định của MSCI. Giá trị của cổ phiếu này "bốc hơi" 5,7 tỷ USD trước khi bị đình chỉ giao dịch.
Chỉ mới 2 tuần trước, MSCI thông báo kế hoạch sẽ đưa ArtGo vào các rổ chỉ số. Tuy nhiên, hôm 20/11, nhà cung cấp chỉ số lại cho biết họ sẽ huỷ ý định này sau khi "phân tích sâu và nhận được thêm phản hồi từ các chuyên gia thị trường về khả năng đầu tư của công ty". Một đại diện của ArtGo cho biết công ty này chưa đưa ra bình luận về sự việc.
Đà tăng và giảm mạnh của ArtGo khiến nhiều nhà đầu tư kỳ cựu ở địa phương hoang mang. Trong khi đó, nhà đầu tư chủ động David Webb, đã cảnh báo cổ phiếu này chỉ là "một quả bong bong" từ hồi tháng 9. Đà tăng vọt của cổ phiếu ArtGo là một trong những diễn biến mới nhất của nhiều biến động cực mạnh, khó giải thích của thị trường tài chính Hồng Kông. Yếu tố này đã khiến một số chuyên gia thị trường kêu gọi MSCI và các nhà cung cấp chỉ số khác nên cân nhắc lại về các cổ phiếu tương tự như vậy khi có ý định đưa vào các rổ chỉ số, với những khoản đầu tư có thể lên đến hàng nghìn tỷ USD.
Daniel So, một chiến lược gia tại CMB International Securities, nhận định: "Thật tốt khi MSCI đang lắng nghe những chuyên gia thị trường. Điều này là rất tích cực đối với diễn biến khả quan của thị trường. Thật khó để tránh đưa các cổ phiếu 'bong bóng' vào các chỉ số tham chiếu nếu chúng ta chỉ nhìn vào số liệu như vốn hoá. Vì vậy, rất tốt khi MSCI nghiên cứu theo từng trường hợp cụ thể."
Hồi đầu năm nay, MSCI đã chịu nhiều ý kiến chỉ trích khi đưa China Ding Yi Feng Holdings - niêm yết tại Hồng Kông, vào các rổ chỉ số sau khi cổ phiếu của công ty này tăng tới 8.500% trong 5 năm bất chấp việc liên tiếp báo lỗ. Cổ phiếu này sau đó bị cơ quan quản lý chứng khoán Hồng Kông đình chỉ giao dịch, với lý do họ đang điều tra về giao dịch đáng ngờ khi giá cổ phiếu của DIF tăng mạnh đến mức "phi lý".
Ở thời điểm đó, MSCI cho biết họ đã sử dụng tiêu chí định lượng như vốn hoá, lượng cổ phiếu lưu hành tự do (free float) và thanh khoản khi lựa chọn các công ty để đưa vào rổ chỉ số. Họ cũng không đưa ra đánh giá về lợi nhuận, triển vọng tăng trưởng hay bất kỳ số liệu "chủ quan" nào khác. Hiện tại, MSCI chưa đưa ra bình luận về quyết định liên quan đến ArtGo.
Trong những năm gần đây, quyết định liên quan đến chỉ số của MSCI và những nhà cung cấp chỉ số khác ngày càng trở nên quan trọng với thị trường chứng khoán, nhờ chiến lược đầu tư thụ động được ưa chuộng hơn. Các quỹ đầu tư hàng tỷ USD của BlackRock, Vanguard và Northern Trust đều là những nhà đầu tư của DYF sau khi được đưa vào các rổ chỉ số của MSCI.
ArtGo đã niêm yết ở Hồng Kông vào năm 2013. Trong 6 tháng đầu năm 2019, công ty này ghi nhận khoản lỗ ròng khoảng 29 triệu CNY (4,1 triệu USD), năm 2018 lỗ 396 triệu CNY. Công ty này bắt đầu đầu tư vào thị trường bất động sản Trung Quốc vào năm nay, mua các khu đất với tổng trị giá 206 triệu CNY. ArtGo cấp vốn cho các thương vụ này bằng tiền mặt và cổ phiếu mới phát hành - được bán với mức chiết khấu hơn 20% so với giá thị trường tại thời điểm đó.
Cổ phiếu của ArtGo bắt đầu tăng mạnh vào khoảng giữa năm nay và được đưa vào FTSE Global Equity Index Series China Index hồi cuối tháng 9, thu hút khoản đầu tư từ các quỹ thụ động được Vanguard và State Street vận hành. Vào ngày giao dịch đầu tiên sau khi thông báo ArtGo được đưa vào rổ chỉ số, cổ phiếu này tăng gần 50%.
Đầu tháng 10, ArtGo bắt đầu tăng trở lại. Diễn biến tích cực của cổ phiếu này tiếp tục tăng tốc sau hôm 7/11, MSCI cho biết họ sẽ đưa ArtGo vào rổ chỉ số, giúp cổ phiếu này tăng hơn 100% từ khi thông báo và khi đóng cửa phiên 20/11. Đà giảm của ArtGo ở phiên 21/11 là đà lao dốc mạnh nhất trên sàn Hồng Kông.