Diễn biến giá cổ phiếu SHB từ đầu năm 2021 đến nay
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có Quyết định số 957/QĐ-NHNN về việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Theo đó, mức vốn điều lệ mới của SHB ghi nhận ở hơn 19.260 tỷ đồng, sau đợt tăng cổ tức 10% bằng cổ phiếu vừa qua. Trong lộ trình này, ngày 16/6 tới, hơn 175 triệu cổ phiếu mới niêm yết bổ sung của SHB sẽ chính thức được giao dịch. Lượng hàng mới này đặt cổ phiếu SHB vào thời điểm quan trọng.
Trên sàn giao dịch, sau đợt tăng rất mạnh cùng khối lượng bùng nổ trong tháng 5 vừa qua, giá cổ phiếu SHB vừa có một tuần điều chỉnh cùng khối lượng có dấu hiệu thu hẹp, tích lũy ở nền giá từ 29.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu. Hướng tích lũy này đi cùng với sự hấp thụ lực chốt lời sau quá trình tăng giá mạnh, đáng chú ý là sự bứt phá ngay cả sau khi giá chia tách trả cổ tức hồi đầu tháng 5.
Tuy nhiên, như trên, phía trước giao dịch tại cổ phiếu này đang đứng trước thử thách quan trọng: áp lực từ lượng hàng niêm yết bổ sung về tài khoản và được giao dịch sau khi giá đã tăng một quãng dài. Theo đó, thời điểm quan trọng này được chờ đợi ở khả năng hấp thụ và phản ứng giá trong ngắn hạn.
Còn trong trung và dài hạn, SHB đang là một trong những cổ phiếu ngân hàng đáng chú ý nhất năm nay, với dày đặc các sự kiện quan trọng có tính chất thay đổi và khả năng tạo thay đổi căn bản về tình hình và triển vọng hoạt động.
Tính từ đầu năm, giá cổ phiếu SHB đã tăng gấp đôi. Diễn biến này trước hết gắn với chuyển biến tích cực về kết quả hoạt động của ngân hàng trong năm 2020 và kỳ vọng tiếp đà tăng trưởng trong năm nay.
Cụ thể hơn, trong đà đi lên rất mạnh nửa đầu năm nay, cổ phiếu SHB có lực đỡ từ các yếu tố cơ bản. Kết quả kinh doanh quý I/2020 của SHB công bố vừa qua cho thấy, tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế đạt 2,6 nghìn tỷ đồng (+38% so với cùng kỳ) và 1,7 nghìn tỷ đồng (+113,5% so với cùng kỳ). Lợi nhuận trước thuế hoàn thành 28,6% kế hoạch năm 2021 (5,83 nghìn tỷ đồng), nhờ tăng trưởng mạnh mẽ về thu nhập lãi thuần (+32% so với cùng kỳ), thu nhập ngoài lãi (+98% so với cùng kỳ); tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm mạnh về mức 34,9% từ 58% trong quý 1/2020.
Và theo ước tính của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, năm 2021 SHB có thể sẽ đạt 6,06 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+85,5% so với cùng kỳ), dựa trên tăng trưởng tín dụng và huy động là 20% và 18% so với cùng kỳ. Trong năm 2021 ước tính SHB sẽ xử lý mua trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC.
Nợ xấu giảm dần, chất lượng tín dụng tốt và sự tăng trưởng mạnh của vốn chủ sở hữu giúp SHB có thể tăng tốc về quy mô và lợi nhuận, ROE dự kiến cải thiện lên 15-16% (từ 10-13% trong các năm trước).
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra tháng 5 vừa qua, SHB cũng đặt mục tiêu đầy tự tin cho năm 2021, với 2 kịch bản: Kịch bản 1, trong trường hợp ngân hàng hoàn thành phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng trong quý 3/2021, phần vốn tăng thêm được sử dụng vào hoạt động kinh doanh sẽ góp phần tăng thêm lợi nhuận cho ngân hàng, dự kiến đạt 6.128 tỷ đồng, tăng 87% so với năm trước. Kịch bản 2, SHB hoàn thành việc chào bán cổ phiếu ra công chúng trong quý 4/2021, kế hoạch lợi nhuận dự kiến ở mức 5.828 tỷ đồng, tăng 78%.
Như trên, động lực cho kế hoạch tăng trưởng của ngân hàng này đến từ các kế hoạch tăng vốn. Đây cũng chính là điểm khiến SHB là một trong những cổ phiếu ngân hàng có nhiều sự kiện đáng chú ý năm nay.
Sau khi tăng vốn qua trả cổ tức tháng 5 vừa qua, SHB đã tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình xin Ngân hàng Nhà nước phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 thông qua, trong đó chi trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10,5% bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 100:28, giá chào bán dự kiến 12.500 đồng/cổ phiếu để thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 26.674 tỷ đồng năm 2021.
Như vậy, thời điểm quan trọng nói trên là bước chuyển tiếp để ngân hàng này dự kiến tiếp tục triển khai các bước tăng vốn. Trong khi đó, một diễn biến song song khác, SHB đã thông qua tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là không quá 20% vốn điều lệ; chốt tỷ lệ sở hữu khối ngoại tại đây là 10% để tìm kiếm và lựa chọn đối tác chiến lược.
Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ vừa qua, SHB cho biết ngân hàng đã lựa chọn được 2 -3 đối tác nước ngoài lớn để đàm phán thoái vốn tại SHB FC. Đồng thời, SHB cũng đặt mục tiêu chuyển nhượng vốn tại SHB Lào và SHB Campuchia cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây được xem là bước đi chiến lược với kỳ vọng đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông.
Năm 2021 đã đi qua một nửa chặng đường, nhiều kế hoạch lớn của SHB đang phía trước nhưng đang rút ngắn lộ trình. Điều này càng đặt diễn biến giao dịch cổ phiếu SHB ở thời điểm có tính chất quan trọng: tích lũy và hấp thụ lượng hàng chốt lời ngắn hạn rồi đi tiếp hay không?
Còn về trung hạn, ở góc nhìn kỹ thuật, cổ phiếu SHB vẫn đang ở xu hướng tăng giá và theo lý thuyết sóng Eliot thì đang nằm ở sóng III trên đồ thị tuần. Có thể hiện tại SHB đang bước vào một nhịp điều chỉnh ngắn hạn (sóng IV) trước khi bước vào nhịp tăng giá tiếp theo (sóng V) trung hạn hướng tới vùng giá mục tiêu khoảng 36.500 đồng/cổ phiếu.
Dĩ nhiên, diễn biến giá mỗi cổ phiếu cụ thể thường đặt trong bối cảnh chung của thị trường, và có mối liên hệ nhất định. Còn với SHB, trong diễn biến tăng gấp đôi kể từ đầu năm đến nay, cũng như từng thể hiện trong năm 2020, nhiều thời điểm cổ phiếu này đã cho thấy những đợt tăng gần như “không liên quan” gì đến bối cảnh thị trường chung, mà theo những câu chuyện riêng của nó.