Nằm bên dưới khách sạn 5 sao Ritz-Carlton tại Hồng Kông, ở trong toà nhà cao nhất thành phố, là một trong những bí ẩn lớn nhất đối với giới đầu tư. Tại đó, trên tầng 66 của Trung tâm Thương mại Quốc tế là trụ sở của một công ty bí ẩn, với cổ phiếu chứng kiến mức tăng đáng kinh ngạc: tăng 8563% trong vòng 5 năm.
Tuy nhiên, những chuyên gia "lão làng" nhận định về trường hợp của Ding Yi Feng Holdings (DYF) lại cho biết rằng mức tăng đột biến này chẳng đem lại ý nghĩa gì. Tập đoàn đầu tư này đã chịu lỗ 7 năm trong 8 năm qua; cổ phiếu được giao dịch với mức định giá cao nhất thế giới và chủ tịch của DYF - một người tự hào rằng kỹ năng đầu tư của ông ngang ngửa Warren Buffett và George Soros, đã trở thành chủ đề rất nóng trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc.
Cú tăng gây tò mò cho giới đầu tư của DYF là một trong những biến động cực mạnh của thị trường và không thể giải thích nguyên nhân đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới danh tiếng của chứng khoán Hồng Kông - một trong những thị trường tài chính hàng đầu thế giới. Trường hợp này cũng cho thấy rằng nhờ sự phổ biến ngày một lớn của các chiến lược đầu tư thụ động, nguồn tiền đến từ các nước bên ngoài được "rót" cũng nhiều hơn. Các quỹ trị giá hàng tỷ USD được điều hành bởi BlackRock, Vanguard và Northern Trust đã mua cổ phiếu của DYF từ hồi tháng 11 năm ngoái, sau khi vốn hóa của họ đủ lớn và đủ thanh khoản để được đưa vào các rổ chỉ số của MSCI.
DYF không phản hồi về các yêu cầu bình luận. Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông và Uỷ ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai của thành phố cùng các quỹ lớn BlackRock, Vanguard và Northern Trust cũng từ chối phản hồi. MSCI thì cho biết họ sử dụng các tiêu chí định lượng như vốn hoá, tỷ lệ free froat và thanh khoản khi lựa chọn các công ty để đưa vào rổ chỉ số, chứ không đánh giá về lợi nhuận, triển vọng tăng trưởng hay bất kỳ số liệu chủ quan nào khác.
Giống như cú tăng gây shock, thông tin về vị chủ tịch cũng đầy bí ẩn
DYF, có mức vốn hoá là 31,7 tỷ HKD (4 tỷ USD), là một trường hợp được xếp loại công ty đầu tư theo Mục 21 của Hong Kong. Thay vì điều hành các hoạt động kinh doanh của riêng mình, các công ty có trong Mục 21 nắm giữ cổ phần thiểu số trong các công ty niêm yết và chưa niêm yết khác. Họ rất giống các quỹ tương hỗ mô hình mở/đóng và sự thành công phần lớn phụ thuộc vào năng lực đầu tư của đội ngũ quản lý.
Trong các chiến dịch quảng cáo của DYF, chủ tịch của công ty, ông Sui Guangyi được miêu tả là "một nhân vật huyền thoại" và "một học giả Đạo giáo có sức ảnh hưởng lớn" . Ông bắt đầu nắm giữ số lượng cổ phần lớn vào đầu năm 2015, khi đó công ty được gọi là China Investment Fund Co. Khi trở thành chủ tịch vào 1 năm sau đó, ông thay thế đội ngũ quản lý và đổi tên công ty. Ông nắm giữ 16% số cổ phần đang lưu hành, trị giá hơn 600 triệu USD.
Theo quảng cáo của DYF, câu chuyện trong quá khứ của ông Sui là một điều đáng chú ý. Ông sinh ra trong một gia đình nông thôn ở phía Bắc Trung Quốc vào những năm 1960. Ban đầu ông là kỹ sư, trở thành "một doanh nhân triệu phú thành công" và một quan chức chính phủ. Sau đó, ông chuyển sang đầu tư. Ông Sui nghỉ hưu năm 2000 để nghiên cứu về việc kết hợp truyền thống, tư tưởng của phương Đông với hoạt động đầu tư hiện đại cùng những kỹ thuật vận hành vốn và lý thuyết trò chơi (game theory). Tận dụng cái nhìn sâu sắc của mình, ông phát triển "Lý thuyết Đầu tư Zen & I-Ching", trở thành một cách đầu tư sáng tạo ngang tầm với giá trị đầu tư của Warren Buffett và việc đầu tư vào quỹ phòng hộ của George Soros.
Tuy vậy, những bằng chứng về năng lực đầu tư của ông Sui lại không hề dễ tìm kiếm. Trên thực tế, kể từ khi trở thành chủ tịch của DYF, công ty này đã vướng vào một số bê bối lớn nhất trên sàn Hồng Kông.
Theo các hồ sơ pháp lý, các khoản đầu tư thua lỗ của công ty này hồi năm 2016 bao gồm cổ phần trong Tech Pro Technology Development đã giảm 90%, cổ phần trong Kingbo Strike giảm 82% và Zhidao International Holdings, một trong những vị thế mua lớn nhất của DYF trong quý II năm đó, đã sụt 86%. Trong khi đó, cổ phiếu của DYF đã tiếp tục "leo" lên mức cao nhất từ trước tới nay, nhờ nguồn đầu tư từ các quỹ theo dõi chỉ số vốn hoá lớn trên toàn cầu của MSCI.
Các cơ quan quản lý sẽ vào cuộc
Cổ phiếu của công ty này đã tăng 202% chỉ tính riêng năm vừa qua, có diễn biến tốt nhất trong số hơn 2700 thành viên thuộc chỉ số MSCI All-Country World. Được định giá ở mức 95 lần tài sản ròng, đây là một trong những công ty niêm yết đắt giá nhất thế giới. Hơn nữa, cổ phiếu này cũng không thể bán khống, lý giải cho câu hỏi tại sao nó lại không phải đối mặt với áp lực bán xuống.
"Tại sao mọi người lại muốn mua một cổ phiếu với giá gấp 90 lần NAV vậy?" David Webb, một nhà đầu tư độc lập và cựu thành viên hội đồng quản trị của Hong Kong Exchanges & Clearing, cho hay. Ông nói MSCI nên loại bỏ DYF và các công ty được phân loại theo mục 21 ra khỏi các chỉ số chuẩn.
Trong khoảng thời gian DYF gia nhập rổ chỉ số cho các cổ phiếu vốn hoá lớn của MSCI, những bản báo cáo về hoạt động gọi vốn và diễn biến bất thường của cổ phiếu DYF đã bắt đầu xuất hiện trên các mặt báo của Trung Quốc.
Trong một email phản hồi câu hỏi của Bloomberg, Hiệp hội Quản lý Tài sản Trung Quốc (AMAC) cho biết họ đã nhận được thông tin từ các phương tiện truyền thông về một chi nhánh của Tập đoàn DYF đã đề xuất với những cá nhân gửi tiền tiết kiện rằng lãi suất hàng tháng sẽ là 2,5% cho một khoản đầu tư và chi nhánh này không đăng ký các sản phẩm quỹ với hiệp hội.
AMAC cho biết các nhà quản lý quỹ tư nhân ở Trung Quốc không thể đảm bảo khoản tiền gốc và lợi nhuận tối thiểu, rằng họ sẽ báo cáo lại trường hợp này với Uỷ ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cùng các cơ quan chức năng khác. Hiện tại, CSRC cũng chưa đưa ra bình luận về việc này.