Báo cáo Fiin Group xuất bản giữa tháng 9/2021 cho biết, Ban lãnh đạo và Cổ đông lớn dự kiến sẽ bán ra 198,7 triệu cổ phiếu từ nay đến hết tháng 10 trong khi khối lượng mua vào dự kiến là 71,7 triệu đơn vị, tương đương lượng bán ròng khoảng 95 triệu cổ phiếu với giá trị ròng ước đạt 3,6 nghìn tỷ đồng. Lượng giao dịch mua/bán của Ban lãnh đạo và Cổ đông lớn, là khá nhỏ so với quy mô giao dịch toàn thị trường (hiện có GTGD trung bình phiên là 27,4 nghìn tỷ đồng) nhưng sẽ có tác động nhất định đến xu hướng giá của một số cổ phiếu đơn lẻ.
Cũng theo thống kê của Fiin Group tính đến 10/9/2021, theo kế hoạch được đại hội cổ đông 2021 thông qua, các doanh nghiệp niêm yết dự kiến sẽ huy động 67,3 nghìn tỷ đồng qua phát hành thêm 6,3 tỷ cổ phiếu từ nay đến cuối năm. Xét về giá trị, lượng phát hành dự kiến này tương đương gần 2,6% vốn hóa toàn thị trường theo free-float và gấp 6,3 lần KLGD trung bình phiên trong 1 tháng qua nếu xét về khối lượng.
Phần lớn giá trị phát hành này thuộc về nhóm Ngân hàng (bao gồm VCB, BID, LPB, TPB), Bất động sản (FLC, IDC, DIG, EIN), Môi giới chứng khoán (HCM, SSI, BSI), và Tài nguyên Cơ bản (MSR). Nếu thực hiện thành công, năm 2021 sẽ là năm kỷ lục về huy động vốn qua phát hành của các doanh nghiệp niêm yết (bao gồm 38,7 nghìn tỷ đồng đã thực hiện từ đầu năm đến nay).
Phát hành cổ phiếu sẽ tạo thêm nguồn cung cổ phiếu ra thị trường và cũng sẽ tạo động lực ngắn hạn và nâng đỡ giá cổ phiếu. Thực tế này đã diễn ra với một số cổ phiếu Chứng khoán giai đoạn trước. Ngoài ra, lượng cổ phiếu niêm yết lần đầu, đạt 3,4 tỷ đơn vị (tính theo free-float) với tổng vốn hóa gần 103,9 nghìn tỷ tính đến ngày 14/9/2021, cũng là nguồn cung quan trọng cho thị trường.
Chính bởi vậy, việc bán ra của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn, được giới đầu tư nhìn nhận thường có 2 nguyên nhân chính: Hiện thực hóa lợi nhuận, "chốt lời" và/hoặc có thêm nguồn tiền để tham gia tiếp các đợt phát hành tăng vốn nhằm đảm bảo tỷ lệ sở hữu nhất định tại doanh nghiệp.
Cổ phiếu DIG của CTCP Đầu tư Phát triển xây dựng – DIC Corp có lẽ là trường hợp nổi bật cho ý kiến trên. Với việc cổ đông lớn, tổ chức có liên quan người nội bộ liên tục bán ra.
Đáng chú ý nhất là động thái của cổ đông lớn là CTCP Đầu tư và phát triển Thiên Tân – công ty có liên quan đến Chủ tịch HDQT DIG – liên tục đăng ký bán ra. Ngày 29/9 vừa qua, Thiên Tân bán hơn 2 triệu cổ phiếu DIG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 14,1% (gần 60 triệu cổ phiếu) xuống 13,6%.
Trong tháng 8/2021, (10-31/8), Thiên Tân bán tổng cộng khoảng 17 triệu cổ phiếu DIG.
Giả định tính toán theo giá đóng cửa tại các ngày thực hiện, Thiên Tân thu về tổng cộng hơn 620 tỷ đồng.
Diễn biến thực tế không chỉ có vậy, sau các đợt bán ra mạnh mẽ của Thiên Tân, và trước đó cả cổ đông lớn Him Lam, DIG công bố thông tin về Nghị quyết chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2021 với lượng chào bán 75 triệu cổ phiếu ở mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện chào bán từ ngày 22/9 đến ngày 1/11.
Trong đó, Thiên Tân đăng ký mua vào hơn một nửa lượng cổ phiếu chào bán đợt này với 38 triệu cổ phiếu. Với mức giá trên, ước tính, Thiên Tân cần chi khoảng 760 tỷ đồng để thực hiện, nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của Thiên Tân sẽ tăng lên mức 20% vốn với tổng số cổ phiếu nắm giữ hơn 98,5 triệu cổ phiếu.
Trên sàn, giá cổ phiếu đang ở mức 33.600 đồng/cp, ghi nhận mức tăng 43% trong 1 quý gần nhất, với thanh khoản rất tốt, hơn 9,56 triệu đơn vị/phiên.
Trước đó, trong tháng 8, DIG phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP giá 15.000 đồng/cp, trong đó, ban lãnh đạo và người nhà đã mua 14,4 triệu cổ phiếu, tương ứng với 96% lượng cổ phiếu ESOP.
Luồng thông tin trên thị trường cho rằng, các diễn biến giao dịch của cổ đông nội bộ DIG trong khoảng 2 năm qua nhằm mục đích tăng tỷ lệ chi phối, chống thâu tóm, việc bán cổ phiếu là để có thêm nguồn tiền tham gia mua phát hành riêng lẻ, đảm bảo tỷ lệ sở hữu tại DIG.
Bên cạnh DIG, diễn biến cổ phiếu ngành thép cũng rất đáng chú ý.
CTCP Thép Nam Kim (NKG) – với thông tin Tổng Giám đốc đăng ký bán và đã bán thành công 15 triệu cổ phiếu - không tác động tiêu cực nhiều vào giá cổ phiếu, thậm chí giá cổ phiếu vẫn duy trì được xu hướng tăng giá.
Giữa tháng 9/2021, ông Võ Hoàng Vũ, đăng ký bán 15 triệu cổ phiếu NKG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 10,45% xuống 3,58% (hơn 7,8 triệu cổ phiếu). Giai đoạn này, NKG cũng như các cổ phiếu thép khác, có diễn biến tăng giá rất tích cực, khoảng 45.100 đồng/cp, tăng gấp 3 lần so với đầu năm. Thanh khoản lớn, gần 8,7 triệu đơn vị/phiên trong 1 tháng gần nhất.
Mới đây, theo công bố thông tin, ông Vũ đã bán xong số cổ phiếu này thông qua giao dịch thỏa thuận, ước tính ông Vũ thu về hơn 699 tỷ đồng .
Diễn biến giá cổ phiếu từ lúc ông Vũ đăng ký bán, đến hiện nay, tăng thêm 7.200 đồng/cp, tương ứng tăng 17,68%.
Vào đầu tháng 8, phó tổng NKG là bà Nguyễn Thị Ngọc Liên cũng bán 250.000 cổ phiếu, ước tính thu về hơn 7 tỷ đồng.
Doanh nghiệp ngành thép khác là TLH của CTCP Thép Tiến Lên (TLH), mới đây công bố thông tin bà Phạm Thị Thu Hà, là mẹ ruột của thành viên HĐQT Nguyễn Vũ Hồng Anh - bán gần hết số cổ phiếu nắm giữ 2,267 triệu cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh. Thời gian thực hiện giao dịch là 20/9/2021 – 7/10/2021, giá cổ phiếu giai đoạn này không có nhiều biến động, khoảng 22.500 – 23.300 đồng/cp, phiên thấp nhất là 19.450 đồng (27/9), tương ứng bà Liên có thể thu về khoảng hơn 51 tỷ đồng.
"Lực cung" của TLH dự sắp tăng lên do HDQT TLH cũng vừa phê duyệt việc bán 1,46 triệu cổ phiếu quỹ ra thị trường, từ ngày 13/10/2021 đến 27/11/2021. Nguồn vốn bán cổ phiếu quỹ để bổ sung vốn lưu động sản xuất kinh doanh.
Tính theo giá đóng cửa cuối tuần, dự kiến TLH có thể thu về 33,43 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính bán niên 2021, số cổ phiếu này có giá trị ghi sổ là gần 9 tỷ đồng.
Diễn biến tăng giá của cổ phiếu thép đã duy trì tốt từ khoảng cuối năm 2020 tới nay, cũng là điều kiện thuận lợi cho các cổ đông chốt lời. Tương tự ở CTCP Đầu tư và thương mại SMC (SMC), ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng Giám đốc đã đăng ký bán trong tháng 8 và tháng 9, với tổng cộng hơn 200.000 cổ phiếu, ước tính thu về hơn 10 tỷ đồng. Giá cổ phiếu SMC đang về đỉnh cũ, hiện khoảng 54.600 đồng/cp, tăng 10% trong tuần qua.
Diễn biến đáng chú ý khác ở một cổ phiếu thanh khoản kém là CBS của CTCP Mía đường Cao Bằng, giá cổ phiếu phi mã, cổ đông nội bộ liên tiếp đăng ký bán bớt cổ phiếu.
Lịch sử giao dịch QBS cho thấy, từ khoảng 20/9 đến 4/10, CBS tăng trần liên tục 9 phiên, đưa giá cổ phiếu từ 13.000 đồng/cp lên 44.900 đồng/cp, sau 2 phiên nghỉ "lấy sức", CBS đang tiếp tục có thêm 3 phiên trần (6/10-8/10), giá cổ phiếu đang ở mức 66.300 đồng/cp, tương ứng tăng 377%.
Thanh khoản cổ phiếu CBS kém, trung bình trong 1 năm gần nhất chỉ khoảng 5.600 cổ phiếu/phiên, trong 1 tháng qua đã tăng lên khoảng 65.000 đơn vị/phiên.
Song hành với diễn biến tăng giá, các thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc, trưởng Ban Kiểm soát đồng loạt đăng ký bán ra, tổng cộng số lượng đăng ký bán là 118.000 cổ phiếu.
Trong khi đó về tinh hình kinh doanh, HĐQT CBS dự báo ngành mía đường còn nhiều thách thức, đặt kế hoạch kinh doanh niên độ 2021-2022 (1/7/2021-30/6/2022) với lợi nhuận trước thuế 26,7 tỷ đồng, giảm phân nửa so với thực hiện niên độ 2020.
Cổ phiếu có đà tăng ấn tượng khác trong thời gian qua là AAV của CTCP Việt Tiên Sơn Địa Ốc, với mức tăng 126% trong 1 quý gần nhất, và tăng 36% từ đầu tháng 9 đến nay. Hiện giá cổ phiếu AAV đóng cửa tuần trước là 30.900 đồng/cp.
Cổ phiếu tăng mạnh, cổ đông lớn nhất của AAV là ông Nguyễn Thanh Hải đang ký bán hơn 11,7 triệu cổ phiếu AAV, tương ứng 32,01% vốn AAV từ ngày 28/9-22/10/2021. Nếu thành công, ông Hải sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu AAV.
Tạm tính theo giá đóng cửa trên, ông Hải có thể thu về khoảng 361,5 tỷ đồng.
Trước đó, ông Dương Văn Điệp, Phó Tổng Giám đốc AAV, em rể ông Hải cũng bán toàn bộ hơn 661.000 cổ phiếu ngày 16/9; bà Đỗ Thị Thu Hà bán hơn 185.000 cổ phiếu cùng ngày.
Theo nghị quyết ĐHCĐ bất thường AAV, công ty có kế hoạch phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu với giá 12.200 đồng/cp cho 3 nhà đầu tư cá nhân. Nguồn vốn huy động được sử dụng để đầu tư các dự án bất động sản và mua thêm các quỹ đất.