Theo thông tin mới cập nhập, ông Phạm Minh Phúc, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng và Nhân lực Việt Nam (mã CMS) vừa đăng ký bán ra hơn 3,7 triệu cổ phiếu CMS nhằm phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân. Giao dịch được thực hiện từ ngày 10/12 đến ngày 09/01 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Nếu thương vụ bán cổ phiếu này hoàn tất, ông Phúc sẽ giảm khối lượng sở hữu tại CMS từ 7 triệu cổ phiếu xuống còn 3,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu giảm từ 40,7% xuống còn 19,13% vốn điều lệ. Tạm tính theo giá CMS hiện tại, ông Phúc có thể thu khoảng 139 tỷ đồng sau giao dịch này.
Trước đó, ông Phạm Minh Phúc vừa hoàn tất bán ra hơn 1,6 triệu cổ phiếu CMS vào ngày 2/12, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu tại CMS xuống còn 40,7% vốn điều lệ như hiện tại.
Cùng chiều giao dịch, ông Kim Ngọc Nhân, Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT cũng vừa bán xong 625.434 cổ phiếu CMS, qua đó giảm khối lượng sở hữu xuống còn 1 triệu cổ phiếu, tương đương 5,81% vốn tại công ty.
Không chỉ có lãnh đạo dồn dập thoái vốn, người nhà ông Phạm Minh Phúc, Chủ tịch HĐQT cũng liên tục bán ra cổ phiếu CMS. Cụ thể, ông Phạm Minh Hậu, em trai của ông Phúc đăng ký bán ra toàn bộ 146.000 cổ phiếu nắm giữ từ 19/11 đến 17/12. Ngoài ra, em dâu của Chủ tịch cũng đăng bán toàn bộ 248.000 cổ phiếu CMS cùng thời điểm trên.
Trong một diễn khác, ông Nguyễn Đức Hưởng - Thành viên HĐQT vừa được bổ nhiệm vào ngày 22/11 vừa qua vừa đăng ký mua thêm 3,7 triệu cổ phiếu nâng lượng cổ phiếu CMS nắm giữ từ 574.000 cổ phiếu lên 4,3 triệu cổ phiếu và sẽ trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 24,9% vốn của CMS. Ông Hưởng cũng là cựu Chủ tịch Liên Việt Post Bank.
Động thái thoái vốn của các lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu CMS đang "nổi sóng" và là một trong những mã tăng mạnh nhất trên thị trường. Tính riêng hơn một tháng qua, cổ phiếu CMS đã tăng tăng gấp 8 lần lên mức 37.500 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 8/12). Bất chấp thị trường chung đỏ lửa hay xanh lơ, mã này vẫn duy trì sắc tím trong nhiều phiên gần đây.
Trái ngược với sự "thăng hoa" trên thị trường chứng khoán, kết quả kinh doanh của CMS lại không mấy sáng sủa khi liên tục ghi nhận thua lỗ.
Trong quý 3/2021, doanh thu của CMS giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt 55 tỷ đồng. Song việc kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp của Công ty âm 452 triệu đồng. Sau khi khấu trừ chi phí, CMS báo lỗ ròng hơn 2,3 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ 5,6 tỷ đồng năm trước. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể bức tranh tài chính có thể thấy tình hình kinh doanh của CMS vẫn một màu u ám khi chưa thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ.
Sau 9 tháng đầu năm, doanh thu CMS đạt 133 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp âm gần 9 tỷ đồng, tăng 19% so với khoản lỗ năm trước. Năm 2021, CMS đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 196 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 4,12 tỷ đồng. Dù vậy, với tình hình 9 tháng lỗ nặng như hiện nay, không dễ để CMS hoàn thành kế hoạch kinh.
Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh trì trệ tạo áp lực khiến dòng tiền kinh doanh trong kỳ chuyển từ dương 51 tỷ đồng sang âm 63 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư trong kỳ ghi nhận con số dương vì trong kỳ Công ty thu hồi được các khoản cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác.