Giao dịch đột biến gần 50% vốn điều lệ, lãnh đạo gom mua
Kể từ đầu năm 2019, cổ phiếu Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức VG PIPE (HNX: VGS) bứt phá mạnh từ mức 8.000 đồng/cp lên vùng đỉnh 8 năm tại 13.200 đồng/cp (4/3). Hiện tại cổ phiếu đi ngang quanh vùng giá 12.000 đồng/cp, tương đương mức tăng gấp rưỡi từ đầu năm.
Giá và thanh khoản của VGS tăng mạnh từ đầu năm.
Cổ phiếu VGS bật tăng trong bối cảnh nhiều lãnh đạo và người thân của công ty liên tục gom cổ phần. Trong đó Chủ tịch Lê Minh Hải trong phiên giao dịch 13/3 đã mua thỏa thuận gần 2,1 triệu cổ phiếu trên tổng số đăng ký mua 6 triệu đơn vị. Qua đó, ông Hải nắm 12,6% vốn công ty.
Nguyên nhân không thực hiện hết là do lượng sở hữu của ông Hải và người thân tại VGS nếu mua hết sẽ vượt quá 25% vốn, điều này theo Luật chứng khoán là không được phép mà phải thực hiện chào mua công khai. Vợ ông Hải là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cũng chỉ mua được 184.002 cổ phiếu trong tổng số đăng ký mua 3 triệu đơn vị với lý do tương tự.
Ngoài ra, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Nhi đã mua thỏa thuận gần 2 triệu cổ phiếu vào ngày 13/3, qua đó trở thành cổ đông lớn nắm giữ 5,6% vốn. Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Thể cũng mua thỏa thuận gần 1 triệu cổ phần vào 13/3 và hiện giữ 3,07% vốn.
Thực tế vào ngày 13/3, Thép Việt Đức chứng kiến các giao dịch thỏa thuận đột biến lên đến 17,6 triệu cổ phiếu, chiếm gần 47% lượng cổ phiếu lưu hành của công ty tại lúc đó. Giá trị sang tay của các giao dịch này là gần 230 tỷ đồng, tương đương mức giá 13.000 đồng/cp.
Ẩn số bất động sản của công ty thép
Tuy giá cổ phiếu tăng mạnh, nhưng kết quả kinh doanh lại không phải là động lực chính thúc đẩy giá VGS. Năm 2018, Thép Việt Đức đạt 6.947 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với năm trước đó. Tuy nhiên chi phí giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn 44 tỷ đồng, giảm đến 38% so với năm 2017.
Lợi nhuận của VGS suy giảm trong các quý gần đây.
Giữa bối cảnh lợi nhuận ngành thép kém tích cực, Thép Việt Đức lại có điểm nhấn đầu tư ở mảng bất động sản với nhiều dự án dự kiến được triển khai trong năm 2019.
Trong cơ cấu doanh thu năm 2018 của công ty, mảng bất động sản lần đầu tiên mang về gần 5,6 tỷ đồng. Dù vậy, mảng này chỉ chiếm trọng số rất nhỏ trong tổng doanh thu hơn 6.900 tỷ đồng.
Bất động sản đã bắt đầu đóng góp doanh thu.
Giống như nhiều doanh nghiệp tôn thép lớn như Hòa Phát và Hoa Sen, Thép Việt Đức cũng nhảy vào kinh doanh ở mảng bất động sản từ nhiều năm trước. Trong đó, công trình nổi bật đầu tiên là Toà nhà Vietduc Financial Building tại thành phố Vĩnh Yên, hiện đã cho thuê 100%.
Cùng với đó, công ty cho biết đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện và đưa vào sử dụng dự án “Nhà văn phòng và Trung tâm Thương mại” tại huyện Mê Linh. Dự án cho thuê văn phòng thứ 2 này đã hoàn thiện 90% và sẽ chính thức hoạt động trong năm nay.
Ngoài ra, công ty cũng có một số dự án đang thực hiện dở dang. Tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang của VGS năm 2018 là gần 54 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Chi phí sữa chữa lớn tài sản cố định chờ phân bổ cũng tăng mạnh từ 700 triệu đồng đầu năm lên 8,5 tỷ vào cuối 2018.
Theo báo cáo tài chính gần nhất, Thép Việt Đức có khoản chi phí xây dựng dở dang tại Khu đô thị mới Vân Canh, Hà Nội với diện tích đất thương mại 4.716m2. Chi phí dở dang cho 2 căn biệt thự tại lô BT5, thuộc dự án Splendora là 21 tỷ đồng.
Đáng chú ý, VGS là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Việt Đức Legend City với tổng quy mô 620.798m2. Công ty thông báo đã được UBND Vĩnh Phúc điều chỉnh phê duyệt tỷ lệ 1/500 đối với dự án này tại nút giao thông đường trục chính Khu đô thị mới Mê Linh với Quốc lộ 2A. Giai đoạn I của dự án đang đền bù giải phóng mặt bằng và thực hiện được 90%, dự kiến năm 2019 sẽ bắt đầu triển khai thi công hạ tầng, xây dựng.
Triển vọng của ngành thép đang kém tích cực khi giá vốn tại hầu hết các doanh nghiệp tăng cao, cạnh tranh diễn ra gay gắt và bảo hộ thương mại gia tăng. Trong bối cảnh khó khăn chung của mảng thép, điểm nhấn đầu tư của VGS có thể là bất động sản khi mảng này đã bắt đầu đóng góp doanh thu và dự kiến triển khai nhiều dự án khác thời gian tới.