Lật ngược lại cách đây vài năm, số lượng doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô trên thị trường chứng khoán Việt Nam có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, với sự thăng hoa của thị trường kết hợp với thanh khoản vô cùng dồi dào, thời gian gần đây số lượng trên đã vọt tăng lên nhiều lần. Hàng loạt tên tuổi lớn cũng bắt đầu đổ bộ lên sàn chứng khoán, danh sách thành viên câu lạc bộ tỷ đô liên tục kết nạp thêm nhân tố mới.
Gần đây nhất, từ 30/7 - 5/8/2021, với việc tăng kịch trần 6 phiên liên tiếp đưa thị giá lên mức kỷ lục 34.700 đồng/cổ phiếu, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, tiền thân là Vinalines, mã chứng khoán MVN) đã chính thức ghi tên mình vào danh sách các doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô của chứng khoán Việt. Với khoảng 1,2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của VIMC hiện đạt mức hơn 41.600 tỷ đồng (~1,8 tỷ USD).
Dù vậy, thanh khoản MVN khá èo uột khi mà cổ đông Nhà nước nắm giữ hơn 99% vốn, khiến lượng cổ phiếu lưu hành tự do ngoài thị trường không còn nhiều. Điều này dẫn tới biến động MVN có phần thất thường.
Biến động cổ phiếu MVN
Tiếp tục kế hoạch thoái vốn còn dang dở từ năm 2020
Việc vốn hóa tăng chóng mặt chỉ từ nửa cuối tháng 6 đến nay diễn ra trong bối cảnh công ty mẹ VIMC đang có kế hoạch thoái vốn tại các công ty thành viên.
Cụ thể, Tổng Công ty sẽ thoái vốn khỏi 12 doanh nghiệp vận tải biển. Trong đó, danh mục các công ty mà VIMC thoái toàn bộ vốn gồm 8 công ty: CTCP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart), Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư (Petec), CTCP Vận tải biển và thương mại Phương Đông (OSTC), CTCP Vận tải biển Hải Âu (Sesco), CTCP Hàng hải Sài Gòn, CTCP Đầu tư và thương mại hàng hải Hải Phòng, CTCP Hàng hải Đông Đô (DDM), CTCP Vinalines Nha Trang.
Ngoài ra, dự kiến trong năm 2021, VIMC sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ tại 4 công ty con khác là CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco), CTCP Vận tải biển Vinaship (Vinaship, mã: VNA), CTCP Đầu tư Cảng Cái Lân và Công ty TNHH Vận tải hàng công nghệ cao.
VIMC cho biết, hoàn thành hoạt động thoái vốn này, Tổng công ty sẽ dồn lực tập trung cho 2 mảng tiềm năng hiện nay là mảng khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Cùng với đó, trong năm 2021, VIMC cũng tiếp tục bán thanh lý 10 tàu biển trong bối cảnh mảng vận tải biển của công ty này tiếp tục thua lỗ.
Tuy nhiên, hoạt động thoái vốn của VIMC không hề dễ dàng, danh sách kể trên được thông qua trong năm 2021 thực chất khá quen thuộc khi gần như còn nguyên những cái tên của năm 2020 chuyển sang. Hoạt động kinh doanh thua lỗ triền miên, tình hình tài chính mất cân đối, thậm chí cổ phiếu cũng vài công ty giao dịch trên thị trường cũng có thanh khoản rất èo uột, đây là tình trạng chung của hàng loạt công ty con trong danh sách thoái vốn của VIMC.
Kinh doanh vận tải có hiệu quả trở lại, Vinalines báo kết quả kinh doanh khởi sắc 6 tháng đầu năm 2021
Điểm tích cực phải kể đến là hoạt động kinh doanh của VIMC đang khởi sắc trở lại trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021. Theo đó, riêng trong quý 2, doanh thu thuần của VIMC đạt 3.410 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn nên lãi gộp đạt 976 tỷ đồng, tăng 118% so với quý 2/2020.
Theo thuyết minh, hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải của VIMC trong quý 2 đảo chiều từ lỗ 362 tỷ đồng sang lãi gộp 241 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng ghi nhận 107 tỷ đồng lãi bán cổ phiếu, thanh lý các hoạt động đầu tư. Thu nhập khác có gần 95 tỷ đồng từ thanh lý tài sản, 13 tỷ đồng lãi vay được cơ cấu nợ vay với ngân hàng.
Kết quả, VIMC báo lãi sau thuế 724 tỷ đồng, cao gấp hơn 4 lần cùng kỳ. Trong đó LNST của công ty mẹ là 375 tỷ đồng, cao gấp 6 lần quý 2/2020.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, công ty ghi nhận 6.040 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23% so với cùng kỳ. LNST theo đó đạt 1.066 tỷ đồng, cao gấp 8 lần nửa đầu năm ngoái, trong đó lãi ròng đạt 685,5 tỷ đồng. So sánh với kế hoạch đề ra, VIMC đã hoàn thành được 56% mục tiêu về doanh thu và 135% mục tiêu LNTT.