Cổ phiếu TSLA của Tesla hiện trị giá 1,1 nghìn tỷ USD, cao gấp chục lần so với mức vốn hoá loanh quanh 100 tỷ USD của các hãng ô tô truyền thống như GM hay Ford. Tesla cho đến nay vẫn là công ty ô tô có vốn hoá lớn nhát thế giới, mặc dù sản lượng xe của họ thấp hơn đáng kể so với nhiều công ty cùng ngành.
Cùng với đà tăng cổ phiếu của Tesla, RIVN của Rivian cũng là cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư săn đón. Ngay sau khi IPO, vốn hoá của công ty này đã vọt lên trên 100 tỷ USD. Nhìn vào tình hình kinh doanh của Tesla, Rivian, người ta đặt câu hỏi liệu mức vốn hoá khổng lồ của các công ty này có phù hợp với ngành công nghiệp xe điện (EV) vẫn còn sơ khai như vậy hay không.
Tesla hiện nằm trong top 10 công ty có giá trị vốn hoá cao nhất thế giới. Hơn thế nữa, công ty này còn có chỉ số P/E (Price to Earnings) cao nhất trong top 10: 360x, cao gấp 5 lần so với công ty xếp ngay sau là Amazon. Hồi đầu năm 2021, chỉ số P/E của Tesla thậm chí tăng lên mức 1.100x.
Chỉ số P/E của Tesla qua các năm.
Rivian – công ty chính thức IPO vào ngày 9/11 được định giá ở mức 78 tỷ USD. Vốn hoá thị trường của công ty này tăng lên 100 tỷ USD sau khi giá cổ phiếu tăng 70% sau 4 ngày giao dịch đầu tiên. Đáng chú ý, Rivian chưa tạo ra bất cứ doanh thu nào, mặc dù đã có những đơn đặt hàng trước đó. Vì vậy, người ta có thể nói một cách mỉa mai rằng chỉ số P/E của RIVN là vô cực.
Trong khi đó, với các nhà sản xuất ô tô truyền thống, mọi chỉ số của họ đều thấp hơn rất nhiều. Toyota Motor được định giá 258 tỷ USD, là công ty lớn thứ 2 trong ngành công nghiệp ô tô hiện có chỉ số P/E chỉ là 5. Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn thứ 4 thế giới với mức vốn hoá 132 tỷ USD, cũng có chỉ số P/E tương tự.
Toyota và Volkswagen là 2 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, xét theo doanh số. Toyota bán khoảng 10,4 triệu xe trong năm ngoái còn Volkswagen là 10,3 triệu xe. Tesla chỉ bàn giao cho khách được nửa triệu xe vào năm 2020. Năm 2021, công ty đạt tốc độ giao hàng là 1 triệu xe/năm vào cuối quý trước.
Vốn hoá của 5 công ty ô tô lớn nhất thế giới.
Vốn chủ sở hữu của Tesla được định giá ở mức đáng kinh ngạc là 2,2 triệu USD cho mỗi chiếc xe được sản xuất, tính theo sản lượng năm 2020 hoặc giảm xuống còn 1,1 triệu USD/chiếc theo tốc độ sản xuất gần đây. Vốn chủ sở hữu của Toyota chỉ là 24.800 USD cho mỗi chiếc xe còn Volkswagen là 12.800 USD.
Trên thị trường xe điện thế giới, Tesla là hãng lớn nhất với 15% thị phần. Volkswagen và General Motors đứng ở vị trí thứ 2 và 3. Tại Mỹ, thị phần của Tesla đã giảm dần kể từ năm 2019, mặc dù lượng xe điện đăng ký tăng mạnh vào năm 2021.
Năm 2020, quy mô ngành công nghiệp ô tô điện toàn cầu là 246 tỷ USD. Các công ty nghiên cứu thị trường kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2028 với tỷ lệ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) ở mức ấn tượng là 24%.
Thị phần ô tô điện tại Mỹ.
Xe điện là một trong những ngành công nghiệp được quảng cáo rầm rộ nhất trên thị trường. Theo nhiều nhà phân tích, cổ phiếu các công ty xe điện được định giá dựa trên tiềm năng tăng trưởng và khả năng các công ty có thể trở thành người thay đổi cuộc chơi trong ngành ô tô.
Trong thời đại đầu cơ được đề cao bởi tiền điện tử, NFT, SPAC, các nhà đầu tư dường như sẵn sàng bỏ qua các nguyên tắc cơ bản và tập trung vào tiềm năng xa vời. Mặc dù nhiều người tin rằng xe điện sẽ là xu hướng của tương lai nhưng không thể phủ nhận lĩnh vực này đang được "thổi" lên bởi làn sóng đầu cơ.
Bong bóng dot-com vào cuối những năm 1990 cũng được thúc đẩy bởi kỳ vọng cao. Vào thời điểm đó, các nhà đầu tư liên tục mua vào cổ phiếu các công ty Internet với giá cao trong nhiều năm. Sự điên cuồng này khiến Nasdaq được định giá ở mức P/E là 200x.
Thật khó để dự đoán chính xác điều tương tự có thể xảy ra với thị trường xe điện hay không. Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo về nhu cầu đối với các cổ phiếu xe điện như Lucid Motors (LCID), cho rằng Lucid Motors và Rivian đang được thúc đẩy bởi hiệu ứng thị trường chứ không phải công nghệ hay cơ hội tăng trưởng.
Tham khảo: The Street