Cổ phiếu của các nhà sản xuất thép và nhôm trên toàn châu Á đang rơi vào trạng thái rực lửa bởi những tác động từ kế hoạch tăng thuế nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump và sâu xa hơn là nguy cơ của 1 cuộc chiến tranh thương mại gay cấn trên quy mô toàn cầu.
Các cổ phiếu thép dẫn đầu đà giảm với Posco của Hàn Quốc, Nippon Steel & Sumitomo Metal của Nhật Bản và Baoshan Iron & Steel là công ty thép niêm yết lớn nhất ở Trung Quốc đều giảm hơn 3,5%. Các cổ phiếu nhôm cũng đồng loạt ghi nhận mức giảm gần 3%.
Hôm qua (1/3), ông Trump phát biểu rằng Mỹ sẽ áp thuế 25% lên thép nhập khẩu và 10% lên nhôm nhập khẩu "trong 1 thời gian dài" và dự kiến sẽ ký lệnh chính thức trong tuần tới.
"Hàng thập kỷ nay ngành nhôm và thép (cùng với nhiều ngành khác) của chúng ta đã bị thiệt hại bởi hoạt động thương mại không công bằng và những chính sách xấu của các nước. Không thể để đất nước của chúng ta, các công ty và người lao động của chúng ta bị lợi dụng thêm nữa. Chúng ta muốn thương mại tự do, công bằng và thông minh!", ông Trump viết trên Twitter.
Mặc dù từ trước đến nay Tổng thống Mỹ vẫn không giấu giếm ý định bảo vệ lợi ích của nước Mỹ trước các nhà sản xuất nước ngoài, nguy cơ ở đây là các quốc gia khác sẽ trả đũa và dẫn đến kết cục là các thị trường xuất khẩu thép và nhôm chủ chốt trên khắp thế giới sẽ đóng cửa hoàn toàn với các nhà sản xuất.
"Phải nói rằng nhìn chung các công ty thép châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì họ là khu vực xuất khẩu nhiều nhất", Gavin Wendt – chuyên gia phân tích cao cấp tại Mineliffe Pty (Sydney) nói. "Đầu tiên sản lượng sẽ bị ảnh hưởng".
Phần lớn chương trình bảo hộ thương mại của ông Trump nhằm vào Trung Quốc, mặc dù quốc gia châu Á này không nằm trong nhóm những nước xuất khẩu thép sang Mỹ nhiều nhất khi chỉ cung cấp 2% tổng lượng thép mà Mỹ nhập khẩu. Tuy nhiên điều đó không ngăn được đà giảm điểm của các cổ phiếu thép Trung Quốc.
Tuy nhiên Trung Quốc lại là nhà cung cấp nhôm lớn thứ 4 cho Mỹ với thị trường Mỹ chiếm 14% tổng kim ngạch nhôm xuất khẩu của Trung Quốc trong năm ngoái.
Ngân hàng ANZ trong báo cáo công bố ngày hôm nay nhận định kế hoạch thuế mới của ông Trump "tạo ra rủi ro chiến tranh thương mại, điều sẽ làm cho nền kinh tế mất đà tăng trưởng và đè nặng áp lực lên ngành sản xuất".
Động thái của ông Trump cũng đã gây ra những phản ứng gay gắt từ các quốc gia khác. Li Xinchuang, phó chủ tịch Hiệp hội sắt và thép Trung Quốc viết trên Wechat rằng "đây là biện pháp 1 bảo hộ ngu ngốc sẽ khiến cho nước Mỹ yếu đi chứ không phải mạnh lên". Theo ông, bảo hộ ngành thép quá mức sẽ khiến ngành thép của Mỹ trở nên lạc hậu đồng thời làm tăng chi phí mà người tiêu dùng phải chịu.
Một kết quả nhãn tiền là Moody’s đã đưa ra nhận định các nhà sản xuất Mỹ, từ các công ty sản xuất máy móc hạng nặng, ô tô đến công ty xây dựng và các nhà máy lọc dầu sẽ phải chịu mức chi phí cao hơn. Về lâu dài thì sức cạnh tranh và sáng tạo của Mỹ có thể bị ảnh hưởng.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế Goldman Sachs Alec Phillips và Andrew Tilton, Trung Quốc có thể trả đũa bằng 5 cách: đánh thuế hoặc hạn chế nhập khẩu hàng hóa dịch vụ từ Mỹ, đưa ra chính sách quản lý khắc nghiệt hơn đối với các công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc, giảm giá nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu, bán tháo các tài sản Mỹ (như trái phiếu kho bạc) hoặc thay đổi thái độ trong vấn đề Triều Tiên cũng như các vấn đề địa chính trị khác.
Trong khi đó những đồng minh của Mỹ như EU và Canada cũng bày tỏ sự phản đối ngay sau khi tin tức được công bố. "Chúng tôi sẽ không ngồi im nhìn ngành công nghiệp bị tổn hại bởi những chính sách không công bằng đe dọa đến hàng nghìn việc làm của châu Âu", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói. Ông bổ sung thêm rằng EU sẽ "sớm hành động mạnh mẽ để đáp trả, tất nhiên là theo luật lệ của WTO".
Ngoiaj trưởng Canada cho biết bất kỳ biện pháp nào nhằm vào nhôm và thép của Canada cũng là "không thể chấp nhận được" và nước này sẽ nhanh chóng phản ứng để bảo vệ người lao động cùng với lợi ích thương mại của mình.