"Thép đã tôi thế đấy" là cụm từ hay được giới đầu tư nhắc tới khi cơn "sóng thần" thép diễn ra mạnh mẽ trong 10 tháng đầu năm. Các cổ phiếu như HPG, HSG, NKG, SMC, VGS, TLH...đều tăng bằng lần chỉ sau vài tháng.
Song thời hoàng kim đó dường như đã chấm dứt khi hàng loạt cổ phiếu ngành thép đang lao dốc mạnh, giảm sâu 15- 30% từ vùng đỉnh xác lập vào hồi tháng 10. Tiếp tục chuỗi ngày u ám, toàn bộ cổ phiếu thép vẫn chìm trong sắc đỏ trong phiên hôm nay.
Dẫn đầu chiều giảm là HSG khi "bốc hơi" 6% trong một phiên. Từ mức đỉnh 49.850 đồng vào ngày 18/10, mã này quay đầu giảm xuống mức 37.500 đồng/cổ phiếu vào phiên 19/11, tương đương mức giảm 25%.
Kế đó là NKG khi giảm 4,5% trong phiên hôm nay về mức 42.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu cổ đông nào mua NKG ở vùng giá đỉnh 56.000 đồng vào phiên 22/10, thì đến hôm nay tài khoản đã "bay hơi" 25% giá trị .
Cổ phiếu của "anh cả" HPG cũng đỏ lửa khi lao từ vùng đỉnh 58.000 đồng xuống còn 48.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, HPG đã mất đi 17% giá trị trong chưa đầy một tháng.
Cổ phiếu HPG giảm mạnh từ vùng đỉnh hồi tháng 10
Tương tự, hàng loạt cổ phiếu thép khác cũng đồng loạt giảm mạnh như POM giảm 4,7%, SMC giảm 5,5%, TLH giảm 4,6%, TIS giảm 4,9%,...
Nhận định về cổ phiếu ngành thép, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng Phòng Phân tích & Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, giai đoạn gần đây nhóm cổ phiếu thép đang chịu áp lực bán mạnh do những ảnh hưởng từ việc giá thép trên thị trường quốc tế sụt giảm.
Theo thống kê, giá của 1 hợp đồng tương lai thép cán nóng đã giảm hơn 20% so cùng thời điểm giữa tháng 10. Nguyên nhân đến từ nhiều lý do nhưng cơ bản do tình trạng mất cân đối cung cầu, thứ vốn làm giá thép tăng mạnh trước đó đã dần quay về mức cân bằng.
Giá thép giảm sâu trong thời gian gần đây
Hiện tại nhu cầu thép đã giảm đi sau khi tăng mạnh mẽ khi các nước mở cửa lại nền kinh tế, nhất là tại Trung Quốc sau khi lo ngại vào thị trường bất động sản sau vụ Evergrande.
Trong khi đó chuỗi cung ứng sản xuất thép đang dần hồi phục nhờ việc đẩy mạnh sản xuất nội địa cũng như thương mại quốc tế. Xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn và gây ra những lo ngại về triển vọng lợi nhuận đối với các doanh nghiệp đã tích trữ hàng tồn kho giá cao trong giai đoạn trước, đặc biệt là nhóm hoạt động thuần trong lĩnh vực kinh doanh thương mại.
"Về ngắn hạn, nhà đầu tư cần hạn chế việc tham gia bắt đáy với các cổ phiếu ngành này do rủi ro giảm giá của thị trường thép quốc tế vẫn đang hiện hữu. Lượng cung tích lũy từ các cổ phiếu ngành thép vẫn còn nhiều, sẽ cần thêm một thời gian để hấp thụ, đặc biệt tại một số cổ phiếu thậm chí đã tăng gấp 5 - 10 lần từ đầu năm", ông Khoa cho biết.
Tuy nhiên trong trung và dài hạn, vẫn có thể kỳ vọng giá thép sẽ dần hồi phục trở lại do nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng của các quốc gia lớn để kích thích tăng trưởng, phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Đối với những mã cổ phiếu đầu ngành thì về cơ bản triển vọng trung, dài hạn vẫn tốt nên có thể tiếp tục nắm giữ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Đối với các cổ phiếu khác trong ngành, cần tuân thủ kỷ luật cắt lỗ để tránh thua lỗ lớn, bảo toàn danh mục.
Ông Nguyễn Thành Công, chuyên viên tư vấn Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS cho rằng, để trả lời cho câu hỏi nên cắt lỗ, gồng lỗ hay bắt đáy cổ phiếu ngành thép thì cần xem các yếu tố hưởng lợi của ngành thép trong thời gian tới có còn hay không.
Thứ nhất, về giá quặng các mỏ cọc lớn trên thế giới của Brazil hay Úc cũng đều đã đi vào hoạt động bình thường trong thời gian và tháng gần đây dẫn đến đến nguồn cung dồi dào và đẩy giá quặng sắt một lao dốc trong 3 tháng vừa rồi.
Thứ hai, về nhu cầu đầu tư công của các nước trên thế giới các nước như Mỹ hay EU có thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trước Việt Nam và và các hoạt động đầu tư công của họ cũng đã đi vào giai đoạn cuối dẫn đến nhu cầu thép đang giảm dần. Ngoài ra, sự thắt chặt thị trường bất động sản của Trung Quốc khiến nhu cầu thép trên thế giới giảm mạnh.
Từ hai yếu tố trên cộng lại dẫn đến giá giá thép trên thế giới có chuỗi lao dốc trong các phiên gần đây.
Theo ông Công, nhiều nhà đầu tư cho rằng khi đầu tư công được đẩy mạnh sẽ giúp nhu cầu thép tăng, ngành thép sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các công ty thép đều đã full công suất, cộng với việc giá thép giảm mạnh sẽ khiến lợi nhuận của ngành thép sụt giảm nhanh chóng.
"Ngoài HPG ra hầu hết các cổ phiếu thép có thể phải mất nhiều thời gian nữa để quay về mức đỉnh hồi tháng 10. Vì vậy, nhà đầu tư có thể cân nhắc giảm tỷ trọng để bảo toàn danh mục", ông Công nêu quan điểm.
Nhận định về kết quả kinh doanh của Hoà Phát, Công ty Chứng khoán Bảo Việt ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế HPG trong quý 4/2021 đạt lần lượt 46.023 tỷ đồng và 10.893 tỷ đồng, tăng lần lượt 78% và 134% so với cùng kỳ.
Quý 4 dự kiến sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG tăng mạnh lên 1,18 triệu tấn nhờ nhu cầu xây dựng dồn tích sau khi bị dừng lại trong nhiều tháng để thực hiện giãn cách. Quý 4 đồng thời cũng là quý cao điểm về tiêu thụ thép của HPG khi nhu cầu xây dựng cuối năm rất lớn, HPG thực hiện đẩy mạnh xuất khẩu thép xây dựng và nhu cầu đầu tư công lớn trong thời gian tới giúp tiêu thụ thép xây dựng của HPG được đẩy mạnh
"Chúng tôi dự báo năm 2022 doanh thu của HPG ước đạt 147.932 tỷ đồng giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận 33.181 tỷ, giảm 12% so với năm trước. Giá thép xây dựng dự báo giảm xuống 14,5 triệu đồng/tấn (-9,4%) trong năm 2022. Giá HRC dự báo giảm xuống 17 triệu đồng/tấn (-11,5%) trong năm 2022. Tình trạng đứt gãy nguồn cung dần được giải quyết giúp chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm thép sẽ thấp hơn năm 2021", báo cáo nêu.