Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Thông tư 111/2013/TT-BTC thì cá nhân phải chịu thuế thu nhập từ đầu tư vốn khi bán cổ phiếu trong trường hợp có nhận thưởng hoặc nhận cổ tức bằng cổ phiếu cùng loại (sau đây xin gọi chung là cổ phiếu thưởng). Vậy cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu có phải là thu nhập của nhà đầu tư?
Xin đưa ra hai trường hợp cụ thể dưới đây:
Trường hợp 1:
Công ty cổ phần X có vốn chủ sở hữu là 150 tỷ (Vốn góp của chủ sở hữu 100 tỷ, lợi nhuận chưa phân phối 50 tỷ), chưa niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán. Nhà đầu tư A đang sở hữu 10% công ty X tương đương giá trị sở hữu 15 tỷ (Sở hữu 1 triệu cổ phần, giá trị cổ phần tính theo mệnh giá là 10 tỷ).
Công ty thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1. Sau khi chia nhà đầu tư A sở hữu 1,5 triệu cổ phần, giá trị cổ phần tính theo mệnh giá là 15 tỷ và vẫn sở hữu 10% công ty X với giá trị là 15 tỷ.
Ta có thể thấy trước và sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, số lượng cổ phần của nhà đầu tư A tăng lên nhưng giá trị thì không đổi, nhà đầu tư A không hề có thu nhập sau hành động chia cổ tức bằng cổ phiếu của công ty. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ là thao tác của công ty chuyển phần Lợi nhuận chưa phân phối sang mục Vốn góp của chủ sở hữu, việc số lượng cổ phần của nhà đầu tư tăng lên là do quy định mệnh giá thống nhất là 10.000 Đ (Nếu không có quy định này thì nhà đầu tư sở hữu 1 triệu cổ phần mệnh giá 15.000 đồng và công ty không cần thao tác chia cổ phiếu thưởng).
Trường hợp 2:
Công ty cổ phần Y cũng có vốn chủ sở hữu là 150 tỷ (Vốn góp của chủ sở hữu 100 tỷ, lợi nhuận chưa phân phối 50 tỷ) đã niêm yết cổ phiếu của họ trên Sở giao dịch chứng khoán. Nhà đầu tư B cũng sở hữu 1 triệu cổ phiếu của công ty Y, giá thị trường tại ngày 01/12/2020 là 30.000 đồng/cp trị giá 30 tỷ. Ngày 02/12/2020 là ngày giao dịch không hưởng quyền để công ty Y phát hành cổ phiếu thưởng cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, giá cổ phiếu điều chỉnh xuống là 20.000 đồng/cp. Lúc này tài sản của ông B tạm thời chỉ còn là 20 tỷ đồng. Đến ngày 02/02/2021 khi cổ phiếu thưởng về tài khoản thì ông B sở hữu đủ 1,5 triệu cổ phiếu. Tài sản của ông B lúc này phụ thuộc giá thị trường cổ phiếu:
• Nếu giá cổ phiếu là 20.000 đồng tài sản của ông B là 30 tỷ. Ông B không có thu nhập gì và phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cổ phiếu thưởng nếu bán cổ phiếu.
• Nếu giá cổ phiếu là 10.000 đồng tài sản của ông B là 15 tỷ. Ông B bị lỗ 5 tỷ và vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cổ phiếu thưởng nếu bán cổ phiếu.
• Nếu giá cổ phiếu là 30.000 đồng tài sản của ông B là 45 tỷ. Ông B có lãi 15 tỷ và phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cổ phiếu thưởng nếu bán cổ phiếu.
Ngày 02/12/2020 nhà đầu tư C mua 1,5 triệu cổ phiếu công ty Y giá 20.000 đồng và nắm giữ. Đến ngày 02/02/2021 giả định nhà đầu tư C bán cổ phiếu:
• Nếu giá cổ phiếu là 20.000 đồng tài sản của ông C là 30 tỷ. Ông C không có thu nhập gì và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cổ phiếu thưởng.
• Nếu giá cổ phiếu là 10.000 đồng tài sản của ông C là 15 tỷ. Ông C bị lỗ 5 tỷ và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cổ phiếu thưởng.
• Nếu giá cổ phiếu là 30.000 đồng tài sản của ông C là 45 tỷ. Ông C có lãi 15 tỷ và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cổ phiếu thưởng.
Như vậy trong trường hợp công ty đã niêm yết cổ phiếu thì thu nhập của nhà đầu tư đến từ việc giá cổ phiếu tăng chứ không từ việc nhận cổ phiếu thưởng. Nhà đầu tư C không nhận cổ phiếu thưởng (Mua cổ phiếu vào ngày giao dịch không hưởng quyền) cũng có lãi, lỗ giống như nhà đầu tư B nhận cổ phiếu thưởng.
Từ hai ví dụ cụ thể nêu trên ta có thể thấy rằng, việc trả cổ phiếu thưởng không phát sinh thu nhập cho nhà đầu tư. Việc tài sản của nhà đầu tư có thể tăng giảm là do thị giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tăng giảm. Không thể lẫn lộn việc tăng giảm tài sản này thành thu nhập đầu tư vốn của nhà đầu tư.