Nhóm cổ phiếu ngành thuỷ sản thời gian gần đây được quan tâm với đợt sóng mới, được cho là kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường Trung Quốc sau dịch, cũng như cơ hội mới từ EU thông qua Hiệp định EVFTA. Nhiều doanh nghiệp lớn đến nay đã bắt đầu linh hoạt ứng biến với biến động của thị trường xuất khẩu, thể hiện qua việc cân đối tỷ lệ tại các thị trường, tránh việc phụ thuộc quá lớn vào một chỗ.
Mặc dù vậy, để có một sự phát triển bền vững thúc đẩy giá trị đầu tư cổ phiếu cho nhà đầu tư, bản thân doanh nghiệp phải tự thân phát triển, làm chủ được đầu vào cũng như đầu ra, giới phân tích nhận định.
Trong số đó, giao dịch bất thường, cùng với kết quả kinh doanh còn nhiều điểm băn khoăn khiến cổ phiếu CMX của CTCP Chế Biến Thủy Sản và Xuất Nhập Khẩu Cà Mau (Camimex Group) được quan tâm hơn cả. Thị giá CMX đến nay đã tăng gấp đôi sau khoảng 4 tháng giao dịch.
Ghi nhận, từ đầu tháng 4/2020, CMX liên tục tăng mạnh, đến nay đã tăng 80% thị giá. Đặc biệt, 1 tháng trở lại đây CMX trải qua đợt tăng trần liên tục và đạt đỉnh tại mức 18.100 đồng/cp. Đặc biệt, các phiên tăng trần từ ngày 7-13/5/2020 đều ghi nhận lượng khớp lệnh lớn.
Chốt phiên 15/5, CMX giảm sàn về mức 16.850 đồng/cp.
Giao dịch đột biến xoay quanh đợt phát hành tăng gấp đôi vốn
Chi tiết, diễn biến thất thường của cổ phiếu CMX diễn ra từ thời điểm Công ty công bố kế hoạch phát hành hơn 13 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhằm tăng vốn điều lệ lên gấp đôi. Giá chào bán 10.000 đồng/cp, hơn 133 tỷ thu về dự chi đầu tư máy móc, thiết bị và bổ sung vốn lưu động.
Ngay sau đó, hàng loạt cổ đông lớn thông báo chuyển nhượng quyền mua số lượng lớn cổ phiếu. Kết quả phát hành, 134 cổ đông trong nước đã thực hiện quyền mua 9,4 triệu cổ phần, chiếm hơn 71% lượng cổ phần chào bán; ngoài ra 3,81 triệu cổ phần (~29% lượng cổ phần chào bán chưa phân phối hết) phân phối riêng lẻ cho 4 nhà đầu tư cá nhân.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Trọng Hà - Kế toán trưởng và ông Đặng Ngọc Sơn - Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc lần lượt mua 11,54% (~3 triệu cổ phiếu) và 11,29% cổ phần (~3 triệu cổ phiếu), trở thành 2 cổ đông lớn nhất tại CMX. Ông Hà Văn Bằng, một nhà đầu tư chưa sở hữu cổ phần nào cũng mua vào hơn 1,6 triệu cổ phần, trở thành cổ đông lớn sở hữu hơn 6% vốn của Công ty.
Nhưng, chưa đầy 2 tháng mua vào và trở thành cổ đông lớn, các thành viên ban lãnh đạo là ông Hà và ông Sơn đến nay đã đăng ký thoái sạch lượng cổ phần. Riêng ông Hà Văn Bằng đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần từ ngày 11-13/5/2020.
Lãi ròng giảm gần nửa sau kiểm toán
Tình hình kinh doanh cũng gây nhiều băn khoăn. Ngay trước khi phát hành cổ phiếu, Camimex công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2019 đột biến, lãi sau thuế riêng quý 4 đạt 64 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2019 doanh thu thuần đạt 949 tỷ đồng, giảm 10,6% so với năm 2018. Nhờ giá vốn giảm, nên lợi nhuận sau thuế đạt 140 tỷ đồng, tăng 73%. Kết quả này giúp công ty hoàn thành và vượt nhẹ mục tiêu doanh thu và vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Khi đợt tăng vốn vừa kết thúc vào cuối tháng 3/2020, CMX công bố BCTC kiểm toán với mức lãi ròng sụt giảm tới gần 63 tỷ đồng so với tự lập. Nguyên nhân do phải trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho, kết quả hoạt động tài chính cũng điều chỉnh theo mức thay đổi tài sản góp vốn vào công ty con năm 2013 làm ảnh hưởng đến lợi nhuận hợp nhất bị loại trừ theo chuẩn mức kế toán làm ảnh hưởng sai sót trọng yếu đến tình hình tài chính hợp nhất của đơn vị.
Theo đó, kết thúc năm 2019 CMX đạt 951 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 10,4% so với cùng kỳ, LNST đạt 77,7 tỷ đồng giảm gần 44% so với con số hơn 140 tỷ đồng LNST được doanh nghiệp này công bố tại báo cáo tự lập.
Nói về hàng tồn, lãnh đạo CMX cho biết: "Tồn kho cao mà không có hợp đồng và thời hạn tồn quá lâu thì đúng là "bom nổ chậm" thật. Tuy nhiên, tồn kho cao mà có hợp đồng đầu ra đã ký lớn, sẵn sàng giao hàng như đã cam kết với khách hàng (khi Camimex tăng năng lực sản xuất kinh doanh sau đầu tư cải tạo xong các nhà máy, cái mà đã rất nhiều năm Camimex không thể thực hiện giao hàng đầy đủ theo thỏa thuận khiêm tốn với khách hàng) thì lại là tồn kho tốt, là "mỏ vàng" của doanh nghiệp. Camimex thuộc trường hợp thứ hai này. Đầu quý 4 hàng năm là thời điểm công ty sẽ xem xét ký kết, thỏa thuận với khách hàng về các đơn hàng sẽ giao trong năm tới (2020)".