Sau khi bất ngờ tăng điểm trong cuối phiên sáng và đầu phiên chiều, thị trường chứng khoán đã quay đầu lao dốc dần về cuối phiên chiều. Điểm sáng trong phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu thủy sản dù có sự phân hóa, song vẫn khá tích cực so với mặt bằng chung với sắc tím hiếm hoi tại một số mã.
Tích cực nhất là cổ phiếu ACL của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang khi tăng hết biên độ lên 31.000 đồng/cp. Thanh khoản cũng tăng đột biến lên hơn 1,2 triệu đơn vị, gấp 6 lần so với khối lượng khớp lệnh trong nhiều phiên gần đây. Nếu so với mức giá hồi đầu năm, cổ phiếu thủy sản đã này bứt phá gần gấp đôi giá trị.
ANV của CTCP Nam Việt cũng "mặc áo tím" khi tăng trần lên mốc 48.650 đồng/cp, có những nhịp mã này tăng kịch trần. Tính chung từ đầu năm đến nay, mã này đã tăng mạnh 79%.
Cổ phiếu của "nữ hoàng cá tra" Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) cũng tăng ấn tượng 4,3% lên 106.00 đồng/cổ phiếu, tăng vượt 70% so với hồi đầu năm.
Mặt khác, cổ phiếu IDI của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I và CMX của Công ty Cổ phần Camimex lại gặp áp lực điều chỉnh khi lần lượt giảm 3,2% và 5,3% so với phiên trước đó.
Nhiều tín hiệu tích cực
Đà bứt phá của nhóm cổ phiếu này đến từ nhiều thông tin hỗ trợ tích cực. Theo đó, xuất khẩu thủy sản duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong Quý 1/2022. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 3/2022 ước đạt 900 triệu USD, tăng 22,4% so với vùng kỳ 2021. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 26,6% kế hoạch năm 2022 (9 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi đó xuất khẩu tôm đạt trên 900 triệu USD.
Đánh giá về triển vọng ngành thủy sản, báo cáo Chứng khoán BSC cũng đưa ra quan điểm tích cực nhờ: Nhu cầu tăng trưởng mạnh sau thời gian dài bị dồn nén bởi Covid – 19 và nguồn cung cá tra từ người dân cần có thời gian để mở rộng.
Đầu tiên, BSC đánh giá thị trường Mỹ đang tăng mạnh, và thị trường Trung Quốc cũng sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm 2022.
Tại thị trường Mỹ, BSC ước tính quý 1 năm nay xuất khẩu cá tra sang Mỹ ước đạt 153 triệu USD, tăng 110% so với cùng kỳ. Sản lượng xuất khẩu đạt 33,4 nghìn tấn, tăng 28% so với cùng kỳ. Mặc dù từ đầu năm 2022, sản lượng cá da trơn thành phẩm tại Mỹ có tăng trở lại song vẫn thấp hơn 8% so với mức đầu năm 2022. Đồng thời, diện tích nuôi trồng cá da trơn tại Mỹ vẫn đang giảm trong ba năm liên tiếp, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cá da trơn nội địa tại Mỹ.
Tại thị trường Trung Quốc, BSC ước tính xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc ước đạt 164 triệu USD, tăng 161% so với cùng kỳ. Sản lượng xuất khẩu đạt 64,9 nghìn tấn, tăng 87%. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong 2 tuần sau khi Trung Quốc công bố việc phong tỏa thành phố chưa có dấu hiệu sụt giảm như dự đoán trước đó của BSC, cho thấy nhu cầu nhập khẩu vẫn cao tại thị trường này.
Bên cạnh đó, BSC cho rằng nguồn cung cá tra từ người dân có thời gian để mở rộng. Cụ thể, mức tồn kho thấp sẽ tạo áp lực làm tăng giá bán trong khi nhu cầu xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng khi nguồn cung chưa thể điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, việc giá cá nguyên liệu ở mức cao (giá thành người dân sản xuất quanh mức 27,000 VND/kg) sẽ thúc đẩy việc người dân tăng thả cá làm tăng nguồn cung. Công ty chứng khoán này đánh giá nguồn cung cá tra sẽ tăng mạnh từ cuối quý 2 năm 2022.
Đồng thời, các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây với Nga kỳ vọng sẽ tạo khoảng trống thị trường cho các quốc gia đối thủ. Các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga do chiến tranh tại Ukraina kỳ vọng sẽ làm tăng nhu cầu các sản phẩm thủy sản thay thế từ các quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) tại các thị trường Mỹ và EU. Trung bình hàng năm, Nga xuất khẩu 4.5 – 5.8 tỷ USD kim ngạch thủy sản, trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là sản phẩm cua Alaska, cá Minh thái,…
Có nguy cơ đối diện với áp lực chốt lời trong ngắn hạn
Nhìn nhận dưới góc độ khác, chuyên gia phân tích Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng, hiện nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản của các thị trường thế giới đang rất cao, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. Giá nguyên liệu trong nước cũng tăng. Đây là những nguyên nhân giúp tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Theo đó, đội ngũ phân tích ABS nhận định xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 4 sẽ tiếp tục bị tác động bởi chiến sự Nga – Ukraine, nhưng vẫn có động lực tăng trưởng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, khi hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại đã trở lại trạng thái bình thường. Dự báo xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 4 vẫn duy trì tăng trưởng 25% đạt 934 triệu USD.
"Trong tháng 3/2022, nhóm cổ phiếu ngành thủy sản có những diễn biến tích cực "OUTPERFORM" so với thị trường chung. Mặc dù vẫn đánh giá cao triển vọng khả quan của cổ phiếu thủy sản trong năm 2022, song chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu ngành thủy sản đã phản ánh phần nhiều triển vọng kinh doanh tích cực trong thời gian qua và dư địa tăng giá dự kiến không còn nhiều, thậm chí trong ngắn hạn có thể phải đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn", báo cáo phân tích ABS nêu rõ.