Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng rất mạnh trong 3 tháng đầu năm 2018 và thiết lập đỉnh lịch sử 1.200 điểm trước sự hưng phân cao độ của nhà đầu tư. Tuy nhiên, ngay khi lập đỉnh mọi thời đại 1.200 điểm, thị trường điều chỉnh mạnh do ảnh hưởng tâm lý từ TTCK Mỹ.
Tinh đến hết phiên giao dịch ngày 4/5, VN-Index đã giảm 177,53 điểm tương ứng 14,7% xuống chỉ còn 1.026,8 điểm. HNX-Index cũng giảm 15,22 điểm (-11%) xuống 122,57 điểm. UPCoM-Index có lẽ là chịu ảnh hưởng ít nhất từ đợt bán tháo này khi chỉ giảm 4,33 điểm (-7%) xuống 56,12 điểm.
Chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đợt chao đảo của thị trường lần này là nhóm vốn hóa lớn. Trong khoảng 3 tuần giao dịch vừa qua, các cổ phiếu bluechip đua nhau giảm sàn cho dù kết quả kinh doanh quý 1 tăng trưởng khá tốt.
Trong số 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán, duy nhất 1 cổ phiếu tăng giá là MCH của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, trong khi đó, toàn bộ 19 cổ phiếu còn lại đều tăng trưởng âm.
Đáng chú ý, trong số này có đến 7 cổ phiếu giảm giá trên 20%. Dẫn đầu danh sách giảm giá mạnh nhất trong top 20 vốn hóa lớn nhất thị trường là BID của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Cổ phiếu này trong vòng hơn 3 tuần giao dịch (từ 9/4 đến 4/5) đã giảm 27% từ 44.400 đồng/CP xuống 32.500 đồng/CP.
Diễn biến giao dịch cổ phiếu BID từ 9/4 đến 4/5
Bên cạnh BID, 4 cổ phiếu ngân hàng khác giảm giá trên 20% là CTG của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam, VPB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng, VCB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam và MBB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội. Trong đó, CTG và VPB giảm 24,4%, VCB giảm 20%, còn MBB giảm 16,6%.
Điểm đáng chú ý ở các cổ phiếu ngân hàng thời gian này là nhiều thông tin tích cực liên tục được đưa ra, đáng kể nhất là kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng quý I đã có sự tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ. Nhiều ngân hàng báo lãi trên nghìn tỷ đồng như VCB, CTG, VPB, MBB, HDB... Không chỉ các ngân hàng lớn mà các ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng có lãi cao vượt bậc so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chính được nhiều nhà đầu tư hay chuyên gia đưa ra lý giải sự lao dốc chóng mặt của nhóm 'cổ phiếu vua' là việc các cổ phiếu ngân hàng trước đó đã có một đợt tăng tương đối nóng nên điều chỉnh mạnh là điều không quá ngạc nhiên.
Bên cạnh đó, ba cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí là GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP, PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và BSR của CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn cũng là những cái tên khiến nhà đầu tư thất vọng. GAS sau khoảng thời gian dài tăng trưởng bất ngờ lao dốc thẳng đứng bằng hàng loạt phiên giảm sàn. Tính từ đỉnh lịch sửa của VN-Index thì GAS đã giảm 24,5% từ 129.800 đồng/CP xuống 98.000 đồng/CP.
Diễn biến giao dịch cổ phiếu GAS từ 9/4 đến 4/5
Trong khi đó, PLX và BSR cũng giảm lần lượt 22% và 21% trong khoảng thời gian kể trên.
Như vậy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã có mức giảm khoảng 20% so với đỉnh năm 2018.
Báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt cho rằng tháng Năm sẽ bắt đầu là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu ở mức giá hợp lý. Tuy nhiên, đơn vị này nhận định chưa có nhiều thông tin hỗ trợ đủ mạnh để đảo chiều thị trường. Kịch bản tốt hiện tại là không có thêm thông tin xấu nào diễn ra trong tháng Năm bên cạnh tình hình thị trường thế giới, cụ thể chỉ số chứng khoán Mỹ ổn định hơn trước việc lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tạm thời hạ nhiệt khi chạm mức 3%. Do đó, dự báo cho xu hướng tháng Năm, thị trường có thể sẽ trải qua giai đoạn giảm điểm nhẹ với mức hỗ trợ kỳ vọng là 1.000 điểm. Đan xen với việc giảm điểm nhẹ, thị trường có thể chứng kiến các nhịp hồi phục. Trạng thái luân phiên này tạo ra kịch bản chỉ số VN-Index đi vào xu hướng giảm nhẹ và sau đó chuyển sang tích lũy tạo đáy.