Đây là những băn khoăn của đại diện nhiều Sở Công Thương và các doanh nghiệp đưa ra tại hội nghị phổ biến Nghị định 87/2018 về kinh doanh khí do Bộ Công Thương tổ chức, ngày 31-7. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8-2018.
Đừng bắt doanh nghiệp tự “mò”
Ông Nguyễn Văn Long, đại diện Sở Công Thương TP Hải Phòng chia sẻ, theo Nghị định 87, một trong những điều kiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí là: Tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện về PCCC.
Tuy nhiên, căn cứ vào Luật PCCC số 40/2013 và các nghị định hướng dẫn Luật PCCC thì tài liệu chứng việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn PCCC lại quy định rất nhiều điều kiện như biển báo, sơ đồ, biển chỉ dẫn về PCCC, quy định phân công trách nhiệm PCCC, hệ thống điện, chống sét, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, nguồn nhiệt phải đảm bảo an toàn PCCC.
Ngoài ra, Luật PCCC còn quy định, cần có lực lượng PCCC cơ sở, có hệ thống giao thông, cấp nước phục vụ chữa cháy, có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về PCCC của cơ quan cảnh sát PCCC cấp,...
“Nếu chiếu theo quy định này, Sở Công Thương không biết phải dựa theo quy định nào về PCCC để làm thủ tục cấp phép và điều này cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đề nghị Bộ Công Thương cần có hướng dẫn cụ thể chứ không thể bắt doanh nghiệp và sở tự mày mò văn bản này văn bản kia để đối chiếu thực hiện. Đừng để doanh nghiệp phải “mò” với các quy định mà chúng ta đưa ra” - vị này nói.
Đại diện Sở Công Thương TP Hải Phòng cũng đặt vấn đề thêm với cơ quan soạn thảo nghị định, đối với tài liệu chứng minh trạm nạp khí được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng là những tài liệu gì khi thụ lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện?
Trong khi đó, theo Luật Xây dựng và các nghị định hướng dẫn luật này, tài liệu chứng minh trạm nạp được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng bao gồm: Giấy phép xây dựng công trình, kết quả thẩm định thiết kế xây dựng, văn bản nghiệm thu đưa vào sử dụng,…
“Trong hồ sơ cấp phép có nêu ra nhiều quy định về PCCC, cũng như giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu an toàn trạm khí nhưng chúng tôi không thể xuống tận doanh nghiệp kiểm tra. Bởi nếu sở kiểm tra nhiều sẽ vi phạm chỉ thị của Thủ tướng, vậy chúng tôi phải làm sao để thẩm định cơ sở vật chất có đúng như trong hồ sơ trước khi cấp phép cho doanh nghiệp?” - vị này chia sẻ.
Đồng quan điểm, đại diện Sở Công Thương TP Hà Nội cũng nêu thực tế: “Bây giờ doanh nghiệp mang hồ sơ đến với đầy đủ giấy tờ nhưng qua thẩm định thực tế, có hạng mục không đảm bảo điều kiện như trong hồ sơ, có cấp giấy chứng nhận không? Nếu xảy ra cháy nổ sau khi Sở cấp giấy chứng nhận thì ai chịu trách nhiệm? Chúng tôi hoan nghênh việc rút ngắn thủ tục hành chính nhưng khi có cháy nổ, nếu cơ quan điều tra phát hiện cơ sở không đủ an toàn nhưng vẫn được cấp phép. Họ sẽ quay lại truy Sở và chúng tôi biết phải trả lời ra sao?” - đại diện Sở Công Thương TP Hà Nội nói.
An toàn cháy nổ là vấn đề được quan tâm khi cấp phép kinh doanh gas. Ảnh minh họa
Vẫn gây lãng phí cho doanh nghiệp
Trả lời thắc mắc này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng phòng An toàn công nghiệp, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết việc triển khai các điều kiện về PCCC đã được giao cho doanh nghiệp tự chủ, tự kiểm tra, tự thực hiện, Sở Công Thương chỉ giám sát, hậu kiểm.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định nêu rõ, nếu doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ nhưng kiểm tra thực tế không đảm bảo điều kiện thì sẽ không được cấp phép.
“Quan điểm khi xây dựng Nghị định 87 là đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Khi hậu kiểm, nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng theo trong hồ sơ thì sẽ có chế tài xử phạt theo quy định như rút giấy phép, xử phạt hành chính,…” - ông Sơn nói.
Chia sẻ bên lề hội nghị, đại diện một doanh nghiệp gas cũng rất băn khoăn về Nghị định số 87 khi yêu cầu cơ sở sản xuất, chiết nạp, phân phối, bán lẻ gas phải thực hiện sổ theo dõi ghi chép, loại bình, số seri, hạn kiểm định, tên khách hàng, địa chỉ, ngày giao nhận... Công việc này được thực hiện cả khâu bán hàng và thu hồi vỏ bình.
Doanh nghiệp này cho biết chi phí thực hiện việc lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử sẽ là rất lớn do quy mô chai gas lưu thông trên thị trường lên đến hàng triệu chai. Vì vậy để quản lý cụ thể, chi tiết từng thông tin chai gas như quy định sẽ lãng phí nguồn lực lớn của doanh nghiệp.
“Các thương nhân kinh doanh gas chủ yếu là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ con người và trình độ để thực hiện quy định này. Hiện nay có khoảng 15.000 cửa hàng bán gas chai chủ yếu là các hộ kinh doanh làm việc tại cửa hàng với người lao động là từ một đến hai người và vận chuyển, lắp đặt cho khách hàng. Khi thực hiện yêu cầu này cần thêm ít nhất một đến hai người sẽ gây lãng phí của cải cho doanh nghiệp và không đáp ứng được yêu cầu về tính khả thi khi thực hiện” - doanh nghiệp này nêu thực tế.
Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán khí hóa lỏng:
1. Giấy đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán khí.
2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh.
3. Bản sao giấy chứng nhận kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bồn chứa.
4. Tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp khí vào chai, xe bồn, phương tiện vận tải:
1. Giấy đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp.
2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh.
3. Tài liệu chứng minh trạm nạp được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng.
4. Tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy.