Theo báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 mà Chính phủ vừa trình Quốc hội , số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến hết năm 2020 là hơn 15 triệu người, giảm 153.092 người (tương ứng với 1%) so với cùng kỳ năm 2019.
Đây là năm đầu tiên số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị giảm so với năm trước. Nguyên nhân chính là do tác động của dịch bệnh khiến người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ngoài ra, việc tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy cũng làm cho lao động thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang giảm, tác động đến số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo báo cáo, có trên 151.000 tổ chức, cá nhân có trả thu nhập nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, có trên 213.000 tổ chức, cá nhân chưa tham gia đầy đủ.
Đáng chú ý, tổng số dư các Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đến năm 2020 là 953 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2019.
Riêng về hoạt động đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội, tổng số kết dư đầu tư quỹ đến 31/12/2020 là 897,7 nghìn tỷ đồng (tăng 10,33% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó 86,8% là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ .
Lãi đầu tư trong năm 2020 thu được từ hoạt động đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội khoảng 47,59 nghìn tỷ đồng. Về mức lãi này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội thẩm tra cho ý kiến rằng, lãi suất đầu tư bình quân năm 2020 đạt 5,02%, chỉ cao chỉ số lạm phát năm 2020 (3,23%) có 1,79 điểm %.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2020, Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc tiết kiệm, cắt giảm chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, theo đó chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cắt giảm, tiết kiệm được là hơn 1.689 tỷ đồng so với dự toán kinh phí được giao.
Cụ thể, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 là 12.782,3 tỷ đồng, trong đó, chi hoạt động bộ máy là 4.558 tỷ đồng, chi công tác quản lý người tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tổ chức thu, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 5.879,3 tỷ đồng, chi ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm 845 tỷ đồng, chi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản 1.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy số tiền thu bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2020 là trên 261,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2019. Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2020 của người lao động là 5,6 triệu đồng/tháng, tăng 6,05% so với năm 2019.
Báo cáo đánh giá, mặc dù tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2020 của người lao động có tăng lên nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng bình quân của giai đoạn 2016-2019.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tăng lương cho người lao động và việc không điều chỉnh mức lương cơ sở ảnh hưởng đến mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang.
Tính đến hết năm 2020, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 12.113 tỷ đồng, tăng 2.013 tỷ đồng (tương ứng 19,9%) so với năm 2019.