Tính đến sáng nay (28/2), Iran đã xác nhận 26 trường hợp tử vong do virus corona, trở thành quốc gia có số ca tử vong nhiều nhất bên ngoài Trung Quốc - nơi khởi nguồn của căn bệnh chết người. Số ca nhiễm cũng đã lên tới 245, trong đó có cả một vài quan chức cấp cao cũng dương tính với virus.
Đa số các trường hợp nhiễm bệnh của Iran có liên quan đến Qom, một điểm đến tôn giáo lớn đối với những người hành hương Shiite, cách 85 dặm về phía nam của Tehran, theo người phát ngôn của Bộ Y tế Iran cho biết. Một quan chức từ Qom tuyên bố hôm thứ Hai rằng 50 người đã chết trong thành phố; Tehran nhanh chóng phủ nhận con số và phủ nhận việc đang che giấu bất cứ điều gì.
Sự lây lan nhanh chóng của virus ở Iran báo hiệu nguy cơ lớn hơn cho khu vực rộng lớn Trung Đông. Các chuyên gia khu vực cho biết, Iran liên kết với phần còn lại của Trung Đông thông qua việc đi lại của những người hành hương tôn giáo và dân lao động - cũng như tình hình kinh tế tồi tệ của đất nước - khiến họ hoàn toàn không sẵn sàng để xử lý sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh.
"Iran có lẽ là trường hợp đầu tiên về tỷ lệ mắc COVID-19 cao ở một quốc gia có cơ sở hạ tầng y tế công cộng tương đối yếu kém", ông Hasnain Malik, giám đốc điều hành có trụ sở tại Dubai về chiến lược thị trường biên giới tại Tellimer, nói với CNBC. Iran có khoảng 1,5 giường bệnh trên 1000 người, bằng khoảng một nửa so với Mỹ hoặc Ả Rập Saudi. Malik cho biết thêm: "Chắc chắn chúng ta sẽ phải chứng kiến nhiều trường hợp nhiễm bệnh hơn trên khắp châu Á và có lẽ là châu Phi."
Tác động mang tính khu vực: Trung tâm Trung Đông và hãng hàng không đối mặt với rủi ro
Một số quốc gia như Iraq, Kuwait, Afghanistan, Bahrain và Oman đã báo cáo các trường hợp nhiễm virus đầu tiên vào thứ Hai vừa qua, mà theo họ đều liên quan đến Iran, làm dấy lên lo ngại về sự bùng phát lớn hơn cho toàn khu vực. Lebanon, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và thậm chí Canada đã báo cáo các trường hợp mà họ nói đều bắt nguồn từ Iran.
"Những tác động mang tính khu vực là lớn nhất đối với các trung tâm du lịch và hành hương như Dubai, Mecca và Karbala (ở Iraq). Các hãng hàng không khu vực, đặc biệt là những hãng đã phải oằn mình vì nợ cao, là một trong những công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất",Mitch Malik cho biết.
Vai trò của Iran như một trung tâm của hoạt động hành hương tôn giáo làm trầm trọng thêm nguy cơ bùng phát. "Số lượng lớn người dân được tập trung tại các địa điểm thường xuyên đông đúc do đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm", theo ông Osman Dar, giám đốc dự án tại Chương trình Sức khỏe Toàn cầu Chatham House, chia sẻ với CNBC qua email.
Lệnh trừng phạt làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận thiết bị y tế
Khoảng 30.000 người đã quay trở lại Afghanistan từ Iran chỉ trong tháng 1 và có hàng triệu người hành hương di chuyển giữa Iraq và Iran hàng năm.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, vốn tăng cường mạnh mẽ kể từ khi chính quyền Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018, đã làm tê liệt nền kinh tế Iran. Do lệnh trừng phạt, Dar nói, Iran ít có khả năng tiếp cận tới các thiết bị y tế được đảm bảo chất lượng và các biện pháp đối phó cần thiết để chống lại đại bệnh ... và do đó, khả năng ứng phó của quốc gia này bị hạn chế hơn rất nhiều so với một số quốc gia láng giềng.
Sự thiếu hụt thiết bị y tế bao gồm đồ bảo hộ cá nhân và thuốc, Dar nói, mà "có thể là nguyên nhân cho tỷ lệ tử vong gia tăng mà chúng ta đều nhìn thấy".
Gần như tất cả các nước láng giềng của Iran đã đóng cửa biên giới và phong tỏa các chuyến bay đến Iran. Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Pakistan và Afghanistan đã đóng cửa biên giới và Iraq cho biết họ đã chặn đường đi và đến Iran, trong khi Bahrain, Oman, Jordan, Ả Rập Saudi và UAE đã tạm dừng tất cả các chuyến bay đến các nước cộng hòa Hồi giáo. Iraq cũng đã đóng cửa biên giới duy nhất với Kuwait, nơi có ba trường hợp được xác nhận, tất cả được báo cáo là từ các cá nhân đã du lịch ở Iran.
Iran vẫn chưa phong tỏa các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, nơi họ có liên kết thương mại mạnh mẽ.
Tham khảo CNBC