VnDirect mới đây đã công bố báo cáo cập nhật vĩ mô Việt Nam tháng 1/2022 với nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, báo cáo cho biết, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam (TCTK), chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) của Việt Nam trong tháng 1/2022 giảm 3,1% so tháng trước nhưng vẫn tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Hơn nữa, chỉ số Quản Lý Mua hàng (PMI) của Việt Nam vào tháng 1/2022 đã tăng lên 53,7 điểm từ 52,5 điểm vào T12/21, đánh dấu mức cao nhất kể từ ngày 21/4/2021.
"Chỉ số PMI tăng cao cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục được mở rộng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 1", báo cáo cho hay.
Về tình hình xuất nhập khẩu, báo cáo đã chỉ ra một số yếu tố hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam trong quý 1/2022. Cụ thể, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và các biện pháp thích ứng mới với đại dịch ở Việt Nam, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng tăng. Ngoài ra, nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức cao.
Bên cạnh đó, các số liệu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư công của Việt Nam cũng được các chuyên gia đánh giá vô cùng tích cực. Cụ thể, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khởi đầu năm mới khá tích cực, với vốn đăng ký của các dự án FDI trong tháng 1/2022 đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ.
Về đầu tư công, vốn nhà nước thực hiện (đầu tư công) trong tháng 1/2022 tăng 8,6% so với cùng kỳ, ở mức 25,3 tỷ đồng. Do đó, các chuyên gia của VnDirect kỳ vọng, vốn thực hiện đầu tư công năm 2022 có thể tăng 20-30% so với số thực tế năm 2021.
Theo báo cáo, cơ sở cho dự báo trên là nhờ việc bổ sung thêm các dự án cơ sở hạ tầng trong gói kích thích kinh tế mới (trị giá khoảng 113.050 tỷ đồng); tình trạng thiếu đá xây dựng đã được giải quyết do Chính phủ cấp phép cho các mỏ mới.
Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng như thép, xi măng, đá xây dựng dự kiến sẽ hạ nhiệt vào năm 2022; việc thực hiện đầu tư công trong năm 2021 đạt thấp, chỉ bằng 84% kế hoạch cả năm. Ngoài ra, Chính phủ dự kiến sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công lớn vào năm 2022 như sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam, từ đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công.
Về yếu tố lạm phát, các chuyên gia phân tích của VnDirect đánh giá, lạm phát có xu hướng tăng nhẹ trong bối cảnh giá xăng dầu tăng. Cụ thể, lạm phát tháng 1/2022 của Việt Nam tăng 1,9% so với cùng kỳ. Nếu so sánh theo tháng, chỉ số CPI tháng 1/2022 tăng 0,2% so với tháng trước do chỉ số giá vận tải tăng 1,2% so với tháng trước (do giá xăng dầu tăng) và chỉ số giá đồ uống và thuốc lá tăng 0,6% từ đầu tháng.
"Lạm phát được dự báo sẽ tăng lên trong những tháng tới do chỉ số giá vận tải dự kiến sẽ tăng cao, sau đà tăng mạnh của giá dầu thô", báo cáo nhận định
Theo đó, các chuyên gia của VnDirect dự đoán lạm phát trung bình của Việt Nam trong quý 1/2022 ở mức 2,3% so với cùng kỳ. Ngoài ra, VnDirect vẫn giữ nguyên dự báo CPI bình quân năm 2022 không đổi ở mức 3,4% so với cùng kỳ.
Từ các cơ sở vĩ mô trên, các chuyên gia của VnDirect kỳ vọng, các hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ tăng tốc trong những tháng tới nhờ nhiều lao động quay trở lại làm việc sau khi dịch bệnh được kiềm chế. Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và các biện pháp thích ứng mới với đại dịch của Việt Nam, cũng như nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức cao.
Ngành dịch vụ được kỳ vọng sẽ cải thiện đà phục hồi nhờ việc mở cửa trở lại các dịch vụ không thiết yếu (du lịch, giao thông công cộng, giải trí, ...). Đồng thời, nhu cầu trong nước hồi phục sau khi chính phủ nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%.
"Do đó, chúng tôi dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 5,5% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2022. Trong cả năm 2022, chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam ở mức 7,5%", báo cáo nhấn mạnh.