Ngân hàng nhỏ bắt đầu bứt phá? – Đó là một câu hỏi mà thực tế cũng chính là những điều mà giới quan sát đang nhìn thấy sau mùa Đại hội cổ đông thường niên 2018. Nhiều ngân hàng nhỏ dường như đã thoát khỏi đáy và tự tin đặt ra kế hoạch tăng trưởng đáng kể.
Tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – NVB), quá trình tái cơ cấu cho thấy kết quả tích cực một cách rõ nét. Kết thúc năm 2017, ngân hàng đạt tổng tài sản gần 72 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2016. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 266 tỷ đồng, tăng 26% và lợi nhuận sau trích lập dự phòng đạt gần 31 tỷ, gấp đôi so với năm 2016.
Năm 2018, NCB đặt mục tiêu nâng tổng tài sản lên gần 95 nghìn tỷ đồng; huy động vốn đạt gần 64 nghìn tỷ trong khi cho vay dự kiến 40,6 nghìn tỷ. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh dự kiến ở mức 327 tỷ đồng, tăng 23% và lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng dự kiến là 37 tỷ đồng.
Một trong những cơ sở để NCB tự tin với kế hoạch tăng trưởng nói trên là khả năng tăng NIM (Net Interest Margin – Tỷ lệ thu nhập lãi thuần) của ngân hàng trong năm 2018 sau một quá trình tái cơ cấu với các biện pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng hoạt động.
NIM là một chỉ tiêu để đo lường hiệu quả tạo lợi nhuận của các tài sản sinh lãi của ngân hàng, bao gồm cho vay tín dụng, đầu tư... NIM cao khi các tài sản sinh lãi tạo ra lợi nhuận nhiều hơn chi phí để hình thành tài sản đó.
Theo thông tin trong báo cáo thường niên, việc cải thiện NIM của NCB đến từ việc giảm chi phí huy động vốn khi nguồn vốn không kỳ hạn của NCB đã có sự tăng trưởng từ mức dưới 5% trong năm 2016 lên 5,5% năm 2017 nhờ việc tập trung đưa ra các dịch vụ ngân hàng giao dịch, tăng giao dịch của khách hàng qua các kênh như Thẻ, Ngân hàng số (NCB Smart).
Đặc biệt, trong năm 2017, NCB đã thành công trong việc tiếp cận và thiết lập giao dịch với nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn để thu hút nguồn tiền gửi không kỳ hạn cũng như tạo chiến lược nguồn vốn cho nhu cầu dự trữ thanh khoản. Đồng thời ngân hàng đã tiếp tục cải thiện tập trung thúc đẩy huy động các nguồn vốn giá tốt là ngoại tệ (USD), nguồn tiền gửi từ các công ty bảo hiểm, Bancasurance và tăng cường huy động từ sản phẩm chứng chỉ tiền gửi.
Về việc sử dụng vốn, NCB đã cho ra đời các sản phẩm cho vay có margin cao, đem lại lợi nhuận tốt. Cụ thể, năm 2017, NCB tăng cường cho các sản phẩm chiến lược Nhà – xe trong phân khúc bán lẻ, đồng thời chủ động tái cấu trúc danh mục cho vay sang các phân khúc khách hàng hiệu quả hơn, đặc biệt là cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; tập trung khai thác khách hàng vay ngắn hạn – vốn lưu động, gói sản phẩm tiêu dùng tín chấp và các chương trình cho vay đặc thù.
Nói riêng về chương trình cho vay đặc thù, các sản phẩm cho vay là đặc thù vùng miền để khai thác hiệu quả phân khúc thị trường ngác tại địa phương như cho vay làng nghề tại Bắc Ninh, Bắc Giang; cho vay tiểu thương tại Huế/ miền Trung; cho vay nông nghiệp nông thôn tại miền Tây Nam Bộ, cho vay thông qua đối tác Viettel Post tại Sài Gòn…
Số liệu từ ngân hàng cho biết, tỷ trọng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đã đạt gần 57% tổng dư nợ khách hàng doanh nghiệp, cơ cấu cho vay ngắn hạn so với cho vay trung và dài hạn trong tổng dư nợ đã tăng từ 32% năm 2016 lên mức 40% năm 2017.
NCB cũng đã cơ cấu lại danh mục cho vay theo hướng giảm dần/ hạn chế cho vay các khoản đầu tư không hiệu quả (giảm dần cho vay trên thị trường 2).
Năm nay, NCB sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ. Kế hoạch tăng vốn sẽ có sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài. Dự kiến đối tác này sẽ được ngân hàng đưa ra quyết định trước 30/6/2018 từ 3 nhà đầu tư được lựa chọn.
Việc tăng vốn trong bối cảnh ngân hàng đang tích cực triển khai các hoạt động mới được kỳ vọng sẽ giúp cho NCB hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng cũng như tăng khả năng sinh lời từ các cơ hội đầu tư.