Thị trường tài chính toàn cầu đang đổ dồn sự chú ý về Credit Suisse – một trong những ngân hàng lâu đời và có quy mô vào loại lớn nhất thế giới. Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) tăng vọt rấy lên hồi chuông báo động rằng Credit Suisse đang gặp khó khăn lớn về tài chính, điều chưa từng thấy tại một ngân hàng lớn kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Sau thông tin được đồn đoán rằng Ammar Al Khudairy - Chủ tịch của Ngân hàng Quốc gia Arab Saudi, cổ đông lớn nhất không muốn tăng cổ phần vì lý do pháp lý, cổ phiếu của Credit Suisse đã liên tục giảm sâu. Vốn hóa cũng theo đó lao dốc xuống chỉ còn khoảng 8 tỷ USD (ngày 16/3). Con số này thậm chí còn chưa bằng một nửa vốn hóa của Vietcombank (~18 tỷ USD) và thấp BIDV (~10 tỷ USD).
Dù vốn hóa liên tục sụt giảm mạnh nhưng không thể phủ nhận Credit Suisse vẫn là một trong những nhà băng lớn nhất thế giới với quy mô tài sản lên đến 574 tỷ USD vào cuối năm 2022. Con số này lớn hơn gấp đôi tổng giá trị tài sản của 3 ngân hàng lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam là Vietcombank, BIDV và VietinBank cộng lại.
Giá trị tài sản quản lý do Credit Suisse chịu trách nhiệm thậm chí còn lên đến 1.700 tỷ USD. Báo cáo thường niên cho thấy Credit Suisse bị lỗ 8 tỷ USD trong năm 2022 và có nhiều điểm yếu trong khâu kế toán trong giai đoạn 2021-2022. Theo CNN, khách hàng đã rút hàng tỷ USD khỏi Credit Suisse trong năm ngoái, gây nên khoản lỗ lớn nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giá cổ phiếu của ngân hàng giảm 67% trong 12 tháng qua.
Đà lao dốc của cổ phiếu kéo theo định giá của Credit Suisse cũng xuống thấp không tưởng với P/B chỉ 0,2 lần. Nếu chỉ nhìn vào con số P/B, hầu hết các ngân hàng của Việt Nam đều có định giá cao hơn nhiều so với “gã khổng lồ” trong ngành ngân hàng thế giới. Một số cái tên cá biệt như Vietcombank, BIDV, SeABank (SSB) còn được định giá gấp hơn 2 lần giá trị sổ sách.
Về cơ bản, mọi sự so sánh đều khập khiễng và ngành ngân hàng tại Việt Nam có những đặc thù nhất định khiến thị trường chấp nhận mặt bằng định giá cao hơn. Một trong số đó là sự khác biệt về loại hình hoạt động giữa các ngân hàng Việt Nam và thế giới, điều có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trong môi trường lãi suất tăng.
Với mảng ngân hàng đầu tư chiếm tỷ trọng lớn, các nhà băng “khổng lồ” trên thế giới được đánh giá sẽ gặp nhiều khó khăn do Fed tăng tốc hút tiền tạo ra làn sóng rút vốn trên toàn cầu, tác động tiêu cực đến các kênh đầu tư. Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam hầu hết là ngân hàng thương mại với hoạt động tín dụng vẫn là chủ lực và xu hướng tăng lãi suất được đánh giá sẽ có những tác động trái chiều.