Đây là thông tin vừa được ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết sáng 14/6 tạị hội thảo: “Hoàn thiện quy chế bán cổ phần tại doanh nghiệp - Nhìn từ góc độ chuyên gia và các bên có liên quan”.
Theo ông, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cùng với 20 tập đoàn, tổng công ty khác sẽ nằm trong diện chuyển giao về ủy ban trên.
Tiết lộ về chức năng nhiệm vụ của SCIC thời gian tới, ông Dũng cho rằng, SCIC vẫn thực hiện chức năng lớn là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng được chuyển giao từ các bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý thêm “chức năng nhiệm vụ tới mức nào còn phụ thuộc vào Ủy ban.”
Ông cũng thừa nhận, việc chuyển giao thời gian qua có lúc chậm nguyên nhân một phần vì các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chưa dứt khoát.
“Bộ ngành, địa phương này thấy nơi khác giữ lại được thì cũng cố giữ,” ông Dũng nêu lên.
Nói thêm về khó khăn trong quá trình thoái vốn, ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC cho rằng, một trong vấn đề vướng là quy định chồng chéo tại các văn bản pháp luật.
Ông đánh giá, nhiều văn bản hiện tại chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc nên các doanh nghiệp Nhà nước thường xuyên phải hỏi các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Một vấn đề khác được ông Lai nêu lên trước đó là mục tiêu bán vốn. Theo ông, mục tiêu cao nhất là tối đa hoá giá trị vốn thu về cho cổ đông Nhà nước. Tuy vậy, việc chọn nhà đầu tư chiến lược cho doanh nghiệp không dễ thực hiện để đảm bảo nhà đầu tư tối ưu mà lại có giá trị bán vốn mức cao./.
Tính tới 31/12/2017, SCIC đã bán vốn thành công tại 986 doanh nghiệp trong đó bán hết vốn tại 885 doanh nghiệp, bán một phần tại 82 doanh nghiệp và bán quyền mua cổ phần phát hành thêm tại 19 doanh nghiệp. Doanh thu sau bán vốn là 36.989 tỷ đồng, gấp 4,4 lần giá vốn (giá vốn là 8.332 tỷ đồng).