Trung Quốc vừa thông qua luật thương mại điện tử mới buộc các hãng thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng bán hàng giả, trang Tech In Asia dẫn thông tin trên trang web của Quốc hội Trung Quốc (NPC) cho biết.
Từ trước đến nay, theo luật của Trung Quốc, chỉ các nhà cung cấp là cá nhân mới phải chịu trách nhiệm khi bị phát hiện bán hàng giả. Còn theo luật mới, các công ty thương mại điện tử phải đưa ra các biện pháp kịp thời khi có báo cáo về việc bán hàng giả trên các nền tảng của mình. Nếu không có hành động tức thời, các hãng này sẽ phải chịu mức phạt lên tới 30 triệu USD.
Đây là động thái mới nhất của cơ quan chức năng Trung Quốc nhằm chống lại vấn nạn bán hàng giả trên mạng vẫn tồn tại bất chấp nhiều biện pháp của các hãng thương mại điện tử nước này vài năm gần đây.
Điểm đáng chú ý của luật mới này là áp dụng với cả các kênh mua sắm trực tuyến phi truyền thống như mạng xã hội. Điều này có nghĩa là ứng dụng nhắn tin WeChat và ứng dụng video nổi tiếng Douyin - cả hai đều cho phép người dùng bán hàng, sẽ phải tuân thủ các quy định tương tự như 2 hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba và JD.com.
Hồi tháng 5, Alibaba cho biết đã tịch thu số hàng giả trị giá 700 triệu USD trong năm 2017, tăng 60% so với năm trước. Trong khi đó, các yêu cầu gỡ đăng tải bán hàng giả giảm xuống 42%. Tuy nhiên, tháng 1/2018, sàn thương mại điện tử Taobao của Alibaba lần thứ 2 bị Mỹ liệt vào danh sách web đen bán hàng giả.
Đối thủ chính của Alibaba - JD cũng vướng phải bê bối bán hàng giả hồi tháng 3. Còn Pinduoduo, hãng thương mại điện tử mới nổi của Trung Quốc, cũng bị một nhà sản xuất bỉm của Mỹ kiện ngay trước thềm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại New York và bị cơ quan chức năng Trung Quốc điều tra với cáo buộc vi phạm bản quyền.
Bắt đầu các quy trình pháp lý từ cuối năm 2013, luật thương mại điện tử mới của Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.