Việc cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và kế hoạch giảm sở hữu Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BID, BIDV) đã được đề cập tại buổi họp báo chuyên đề tháng 11 của Bộ Tài chính.
Buổi họp báo Chuyên đề của Bộ Tài chính
Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp cho biết, để tiến hành cổ phần hóa Agribank, từ đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã làm việc nhiều lần với ngân hàng để bàn cách thức giảm định xử lý liên quan đến 4 triệu m2 đất do nhà băng này quản lý. Bộ đã đề nghị ngân hàng thực hiện theo đúng luật đất đai và triển khai ngay để khi chốt cổ phần hóa 1/1/2019 thì phương án đầy đủ, mọi thủ tục đã hoàn tất. Ngân hàng cần phải nắm được vị trí từng bất động sản, khu nào có giấy phép sở hữu, khu nào chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng. Sau đó ngân hàng sẽ đưa các giấy tờ này cho UBND xác nhận, khu đất có quy hoạch, khu đất nào cần thu hồi, đồng thời định lại giá trị của các bất động sản. Quá trình này vẫn đang được triển khai và có thể kéo dài.
Chủ tịch Agribank Trịnh Ngọc Khánh từng cho biết, ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác cổ phần hóa. Dự kiến, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp sẽ là 31/12/2018, nhanh nhất đến năm 2020 mới có thể IPO.
Theo ông Tiến, cổ phần hóa là quá trình chuyển đổi từ sở hữu Nhà nước sang đồng sở hữu bởi nhiều chủ thế. Vì vậy, trước khi tiến hành cổ phần hóa cần xác định rõ lại tài sản Nhà nước và tài sản doanh nghiệp, ngân hàng. Trước khi cổ phần hóa, doanh nghiệp phải tuân thủ và thực hiện đúng theo luật đất đai. Ông Tiến cho rằng đây là công việc tốn nhiều thời gian do phải qua các UBND các tỉnh, thành phố xác nhận và các doanh nghiệp, ngân hàng cần phải chuẩn bị trước để đảm bảo tiến độ cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, ông Tiến cũng đề cập đến việc giảm sở hữu Nhà nước tại BIDV thông qua chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư hoặc phát hành cổ phiếu mở rộng quy mô, giữ nguyên vốn của Nhà nước.
Tại diễn đàn M&A Việt Nam vào tháng 8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng cho biết sẽ thực hiện IPO Agribank vào năm 2019, đồng thời Chính phủ có thể bán bớt vốn hoặc phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài tại BIDV và Vietcombank.
Đến nay, BIDV đã xác định phương án tăng vốn bằng việc phát hành khoảng 603,3 triệu cp, tương đương 17,65% vốn điều lệ hiện tại (34.187 tỷ đồng) và 15% quy mô vốn điều lệ sau phát hành. Nếu thực hiện thành công, BIDV sẽ nâng mức vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng.