Tập đoàn Swire Pacific (trụ sở tại Hong Kong) mới đây tuyên bố tiến vào thị trường đồ uống khu vực Đông Nam Á thông qua thương vụ mua lại dây chuyền sản xuất của Coca-Cola Việt Nam và Campuchia. Thương vụ có giá trị hơn 1 tỷ USD và dự kiến hoàn tất trong vòng 6 tháng.
Thông báo phát đi của Swire Pacific viết: “Đây là khoản đầu tư đầu tiên của Swire Coca-Cola vào Đông Nam Á, với kỳ vọng hướng đến vị trí dẫn đầu tại một trong những thị trường đồ uống phát triển nhanh nhất thế giới. Swire Coca-Cola sẽ sở hữu và vận hành Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, công ty có ba cơ sở đóng chai tại Việt Nam và Công ty TNHH Nước giải khát Campuchia, có một cơ sở đóng chai tại Campuchia. Thương vụ sẽ hoàn tất trong 6 tháng nếu không vướng các thủ tục chống độc quyền”.
Đại diện Coca-Cola cũng chia sẻ với báo chí: “Chúng tôi xác nhận tin tức chuyển nhượng quyền hoạt động đóng chai thuộc quyền sở hữu của Coca-Cola tại Việt Nam cho Swire Coca-Cola. Việc chuyển nhượng này được phê duyệt theo các quy định hiện hành. Các bên cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện quá trình chuyển nhượng một cách suôn sẻ, hạn chế tối đa sự gián đoạn đối với khách hàng, người tiêu dùng, nhà cung cấp, đối tác bên thứ ba và nhân viên công ty".
Vị này cũng cho biết: "Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn tất quy trình chuyển nhượng không sớm hơn cuối quý III/2022. Thực tế, giao dịch này là việc đối tác mua lại toàn bộ quyến sở hữu Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (CCBVL). Tư cách pháp nhân của CCBVL vẫn tồn tại".
Mua bán - sáp nhập (M&A) là hình thức đầu tư phổ biến hiện nay và được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, do tính đa dạng về phương thức nên việc quản lý thuế với hoạt động M&A không hề đơn giản, đặc biệt với những thương vụ chuyển nhượng lớn, lên tới hàng tỷ USD của các tập đoàn xuyên quốc gia.
Trước lo ngại rằng, có thể Việt Nam sẽ đánh mất quyền thu thuế với thương vụ Coca-Cola Việt Nam như các vụ thất thu thuế trước đây? Liệu luật pháp Việt Nam có đủ quy định pháp lý để thu được thuế từ thương vụ chuyển nhượng lên tới cả tỷ USD nêu trên?
Trả lời Nhadautu.vn , ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định Việt Nam hoàn toàn đủ cơ sở pháp lý để thu hàng nghìn tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp từ thương vụ nêu trên.
Cụ thể, đây là hình thức đầu tư gián tiếp thông qua hoạt động M&A (mua bán - sáp nhập). Nếu bên bán không tự nguyện khai nộp thuế, cơ quan thuế có quyền yêu cầu bên bán cung cấp thông tin giá trị thương vụ mua bán, sau đó tính thuế.
"Hiện nay thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam là 20%. Nếu đúng theo con số ước tính giá trị thương vụ hơn 1 tỷ USD thì cơ quan thuế có thể thu hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước", ông Phụng nói.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cho biết Việt Nam đã có tiền lệ thu hàng nghìn tỷ đồng thuế từ thương vụ chuyển nhượng BigC và Metro nên việc thu thuế thương vụ chuyển nhượng Coca-Cola không quá khó khăn.
Cùng với đó, về cơ bản cơ quan thuế "nắm đằng chuôi" vì doanh nghiệp muốn hoạt động dưới pháp nhân mới cần đăng ký kinh doanh và phải được cấp giấy phép mới. Chỉ khi nào doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế mới có thể chuyển giao, chuyển lợi nhuận.
Ngoài ra, ông Phụng cũng nhấn mạnh, hiện nay ngành thuế đã đổi mới rất nhiều, có nhiều biện pháp để quản lý thuế mới nên sẽ khó để xảy ra chuyện thất thu thuế.
Thương vụ chuyển nhượng thương hiệu hệ thống siêu thị Big C từ Tập đoàn Casino (Pháp) cho đại gia bán lẻ Thái Lan Central Group vào tháng 4/2016 với trị giá hơn 1 tỷ euro. Tuy nhiên, chủ thương hiệu Big C đã không chủ động nộp thuế. Tổng cục Thuế đã liên tục có tối hậu thư nếu không nộp thuế, cơ quan chức năng Việt Nam sẽ không cho đổi chủ. Đến lúc đó, bên bán đã phải ủy quyền cho bên mua nộp thuế thay với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng.