Theo báo cáo về thị trường tiền tệ tuần đến ngày 24/5 của Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân thuộc Công ty chứng khoán SSI, trên thị trường thế giới tuần qua, rủi ro gia tăng khi những mâu thuẫn, xung đột giữa các nền kinh tế lớn ngày càng sâu sắc và khó đoán định hơn. Đối đầu Mỹ- Trung Quốc không còn dừng lại ở xung đột thương mại mà đã mở rộng sang lĩnh vực công nghệ và các lĩnh vực khác. Giới quan sát đang lo ngại về một cuộc chiến tranh lạnh giữa 2 siêu cường kinh tế.
Vấn đề Brexit sẽ trở lại vạch xuất phát sau gần 3 năm bế tắc khi Thủ tướng Anh Theresa May từ chức và EU bước vào cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu. Trong tuần, chỉ số DXY đo sức mạnh của đồng USD với các đồng tiền chủ chốt dao động quanh mốc 98, EUR, GPB và CNY đều đi ngang so với USD; các tài sản trú ẩn như vàng, JPY và CHF tăng giá 0,6%, 0,7% và 0,9% so với tuần trước.
Tỷ giá giao dịch USD/VND tăng mạnh trong tuần qua với mức tăng 80đ/USD trên ngân hàng, lên mức 23.335/23.455 và 90đ/USD ở thị trường tự do, lên mức 23.410/23.430, tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng thêm 12đ/USD lên mức 23.066đ/USD. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 0,8% trong khi USD/CNY đã tăng tới 2,5%.
Theo nhóm phân tích, thông tin cán cân thương mại nửa đầu tháng 5 của Việt Nam thâm hụt 1,85 tỷ USD khiến cho con số lũy kế từ đầu năm chuyển sang thâm hụt 1,01 tỷ USD cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ giá. NHNN đã nhanh chóng đưa ra thông điệp sẵn sàng bán ngoại tệ để ổn định thị trường.
"Chúng tôi nhận thấy từ 2012 đến nay, tháng 5 luôn là tháng nhập siêu của Việt Nam, diễn biến vừa qua cũng chỉ theo chu kỳ nhập khẩu. Phần lớn các mặt hàng nhập khẩu là máy móc thiết bị, vật liệu đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu nên đây có thể coi là tín hiệu tích cực cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai gần. Nguồn cung ngoại tệ từ các thương vụ M&A cùng dự trữ ngoại hối hiện tại là đủ để bình ổn thị trường. Các yếu tố quốc tế cũng khó có thể diễn biến xấu hơn nên tỷ giá sẽ vẫn dao động trong mục tiêu kiểm soát từ đầu năm" - báo cáo nhận xét.