Trong tháng 3/2020, thực tế trên bầu trời của Việt Nam chỉ có 3 chuyến bay. Đến tháng 7 và 8/2021, thậm chí không có chuyến bay nào.
Khách bay giảm tới 80%
Tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội diễn ra sáng 27/9, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết, nếu giai đoạn 2010-2019, lượng khách đi máy bay tăng 4 lần, từ 20 triệu khách cả nội địa và quốc tế lên 80 triệu khách, thì năm 2020 và 8 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ còn 1,3% so với năm 2019, song chủ yếu là khách hồi hương và một số chuyên gia rất đặc biệt. Riêng khách nội địa giảm 80% so với cùng kỳ 2019.
"Các chuyên gia quốc tế nhận định, ngành hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP quốc gia là 1%", ông Hòa dẫn chứng đóng góp của ngành hàng không.
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho hay, trong tháng 3/2020, thực tế trên bầu trời của Việt Nam chỉ có 3 chuyến bay. Đến tháng 7 và 8/2021, thậm chí không có chuyến bay nào.
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa |
"Chúng tôi chỉ được bay duy nhất một chuyến là đi Sài Gòn đón bà con ra Hà Nội sau đó dừng, không bay chuyến nào. Các chuyến bay chủ yếu vận chuyển hơn 11.000 y bác sĩ ở khắp đất nước, cũng như vận chuyển miễn phí 250.000 tấn trang thiết bị y tế để chống dịch", ông Hòa nói.
Với dịch Covid-19 đang diễn ra, trên thế giới đã có 44 hãng hàng không phá sản hoặc trong diện bảo hộ phá sản. Còn Vietnam Airlines được Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đã có gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Nhưng năm 2021, tình hình ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều. Trong 6 tháng đầu năm Vietnam Airlines đã lỗ 7.000 tỷ, các hãng hàng không còn lại cũng lỗ.
"Chúng tôi đánh giá việc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hiện nay là rất quan trọng, đi cùng đó là việc tiêm vắc xin, thay đổi chính sách 'zero Covid' sang an toàn, linh hoạt", Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Máy bay không có chỗ đỗ
Liên quan đến đề xuất áp giá sàn vé máy bay gần đây của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), ông Đặng Ngọc Hòa cho rằng, năm 2020 và 2021, giá vé máy bay giảm còn 40% so với năm 2018 và 2019. Bản chất hiện nay, tất cả các hãng hàng không đều không bay được.
"Toàn bộ hãng hàng không của Việt Nam có 250 máy bay đang đậu ở tất cả các sân bay, thậm chí bây giờ còn không có chỗ đậu", ông nêu thực tế.
Chính vì thế, khi có khả năng bay, các hãng hàng không đều muốn bay. Việc đưa ra giá vé chủ yếu để đỡ hỏng máy bay, với mức thu còn thấp hơn chi phí xăng dầu của một chuyến bay.
TS. Nguyễn Sỹ Dũng |
Theo ông Hòa, giá vé máy bay thấp như thế thì tất cả hãng hàng không đều yếu. "Chúng tôi rất lo ngại sau khi phục hồi kinh tế, sức khỏe của các hãng hàng không không đủ để cạnh tranh với nhau chứ chưa nói gì chuyện ra khu vực và quốc tế", ông Hòa lo ngại.
Ông đánh giá, việc áp giá sàn vé máy bay tất nhiên ảnh hướng đến việc đi lại của bà con, nhưng nếu hãng nào phá sản cũng ảnh hưởng chung nguồn lực xã hội. Nhiều nước đã áp dụng giá sàn vé máy bay, như Trung Quốc cách đây mấy năm, hay Ấn Độ cũng vậy.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, góp ý, việc áp giá sàn vé máy bay là không công bằng. Dù chính sách chưa ban hành nhưng ông Dũng cho rằng, một hãng 3 sao giá vé như 5 sao thì ai mua của hãng 3 sao?
"Rõ ràng, nếu hàng không áp giá như vậy thì bằng chính sách, chúng ta có thể giết chết một hãng hàng không. Không thể như vậy được", nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lưu ý. Bởi, ông nhấn mạnh, chính sách khi ban hành phải rất cân nhắc để không tạo ra bất bình đẳng, không tạo ra những khoản "tô" hết sức bất hợp lý cho nền kinh tế.
Thu Hằng