PV: Giải ngân vốn đầu tư công chậm đã được nhắc đến nhiều. Theo ông nguyên nhân do đâu?
Ông NGUYỄN QUANG HUÂN: Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi về cơ bản có 4 yếu tố chính. Thứ nhất, giải phóng mặt bằng chậm làm cho dự án bị chậm. Thứ hai, có việc không sẵn sàng của các Ban quản lý, chủ đầu tư. Chúng ta đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, việc thanh tra, kiểm tra chặt chẽ nên các doanh nghiệp không “mặn mà” tham gia. Từ vấn đề giá, cho đến quy trình, tiêu chí lựa chọn. Nhiều người không làm vì… “không có gì”; mà làm thì có thể sai phạm. Đó là tâm lý chung của một bộ phận cán bộ. Thứ ba, thủ tục giải ngân vốn ở các bộ, ngành khi các tỉnh lập hồ sơ lên để nhận tiền từ Trung ương không phải lúc nào cũng thuận lợi. Thứ tư, sự hấp thụ của nền kinh tế, bởi không phải cứ “bơm” tiền ra là hấp thụ được hết.
Giải ngân vốn đầu tư công là một trong những căn cứ để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ đối với lãnh đạo bộ, ngành, địa phương. Nhưng thực tế nhiều bộ, địa phương “trượt kế hoạch” trong giải ngân. Có phải do cơ chế hay cán bộ chưa quyết tâm dám nghĩ, dám làm thưa ông?
- Có một nguyên nhân như tôi đã đề cập ở trên đó là họ sợ trách nhiệm nên không làm. Trước đây có phần “dôi dư” nên sẵn sàng “vượt lên trên trách nhiệm”. Nhưng sau khi siết chặt, chống tham nhũng thì một số lãnh đạo địa phương không sẵn sàng thực thi trách nhiệm.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu giải ngân để đánh giá trách nhiệm đối với người đứng đầu bộ, ngành địa phương thì được. Nhưng thực tế tại địa phương còn giao các sở chịu trách nhiệm. Ví dụ không chỉ sở Xây dựng mà còn liên quan đến sở Tài chính, sở Kế hoạch và Đầu tư... nên khó đánh giá, không phân định trách nhiệm. Vì thế chỉ có thể đánh giá chung cho lãnh đạo địa phương chứ cấp sở, ban, ngành là khó vì các đầu mối cho giải ngân hiện đang quá nhiều.
Cần phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu với những công trình sử dụng vốn đầu tư công chậm giải ngân.
Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022. Đây là vấn đề không phải dễ dàng, vậy theo ông cần giải pháp nào để nền kinh tế có thể “hấp thụ”?
- Năm 2023 để tiêu hết 700 nghìn tỷ đồng không phải là dễ dàng. Bởi tiêu phải có “địa chỉ”, chứ không phải như mua sắm công. Vì mua sắm thì dễ, chứ đầu tư dự án phải có quy trình, các bước. Ví dụ làm dự án về đường, hay xử lý rác thải thì đầu tư từ bây giờ nhưng có thể phải 2 năm sau mới tiêu được.
Cho nên năng lực của các ban quản lý là vấn đề cần xem xét. Đầu tiên cần có kế hoạch cụ thể tiêu vào đâu? Đến khi có kế hoạch phải triển khai thực hiện từ giải phóng mặt bằng, bố trí đấu thầu, tuyển chọn nhà thầu, năng lực thi công, rồi thiết bị... Vì thế các cơ quan phân bổ vốn như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hoạt động phải đồng bộ, nhất là công tác giải ngân, bởi phải qua nhiều cấp duyệt chứ không phải có tiền là có thể dễ dàng tiêu.
Trân trọng cảm ơn ông!