Cùng với tâm lý e ngại chung cư sau vụ cháy Carina, gần một tháng qua, đất nền ở TPHCM leo thang chóng mặt. Các khu vực lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương cũng lên cơn sốt đất.
Mua bán cả đất nông nghiệp
Ghi nhận của phóng viên ngày 23/4, cảnh mua bán đất nền tại các quận huyện vùng ven TPHCM như Quận 9, 12, Thủ Đức, Nhà Bè, Cần Giờ… tấp nập hơn hẳn so với đầu năm. Các bảng quảng cáo bán đất, môi giới nhà đất mọc lên như nấm; nhiều dự án san lấp mặt bằng, phân lô bán đất nền cũng được thi công gấp rút.
Tại khu vực quận 12, nhiều dự án phân lô bán nền đang được các nhà đầu tư khẩn trương san lấp mặt bằng. Những khu vực trước đây được xem là “vùng sâu vùng xa”, khu vực trũng thấp ít người mua thì nay hoạt động mua bán nhộn nhịp hơn hẳn. Dọc tuyến đường Vườn Lài, phường An Phú Đông, Quận 12, hàng loạt điểm môi giới nhà đất mọc lên, giá đất khu vực này cũng tăng nhanh.
Thấy có khách hỏi mua đất nền, một nhân viên môi giới dẫn đến lô đất rộng khoảng 1.000m2 nằm trong hẻm trên đường Vườn Lài với giá 40 triệu đồng/m2. Trong khi đó, cách đây 2 tháng, giá đất khu vực này chỉ khoảng 25-30 triệu đồng/m2. Nhân viên này cho biết, sở dĩ giá đất tăng nhanh là do người dân đổ xô đi mua đất nền, trong đó lượng người mua để ở chỉ chiếm số lượng rất ít, còn lại là mua đầu tư để đó chờ đất tăng lên bán kiếm lời.
Theo giới môi giới nhà đất, nguyên nhân dẫn đến giá đất vùng ven tăng chóng mặt thời gian qua là do lượng “cò” đất tự tung tin đồn rồi thổi giá. Hoạt động mua đi bán lại giữa các “cò” đất cũng nhộn nhịp không kém. Ông Nam (43 tuổi, cò đất ở Bình Chánh) cho biết, không chỉ đất ở mà đất nông nghiệp, những mảnh đất trồng rau muống, ao cá cũng được rao bán. “Ở vùng ven giá đất không có một khung nhất định mà cao hay thấp chủ yếu phụ thuộc vào “cò”. Nhiều đầu nậu thâu tóm đất xong rồi dùng chiêu thổi giá để bán lại trong thời gian ngắn”, ông Nam nói.
Theo người này, từ đầu năm đến nay giá đất liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại, kể cả đất ở và đất nông nghiệp. “Người có đất muốn bán, chỉ cần lên tiếng là có người đến mua ngay. Còn những người có nhu cầu mua, khi tìm được mảnh đất ưng ý mà chần chừ cũng có nguy cơ bị người khác “nẫng tay trên”- ông Nam cho hay. Các chủ đất cho biết, người đi mua đất ngày càng nhiều mà đất bán lại có hạn nên chủ yếu là mua đi bán lại. “Chỉ cần cắm tấm biển bán đất và ghi số điện thoại buổi sáng, đến trưa đã có hàng loạt người gọi điện hỏi giá, đặt cọc giữ chỗ”, ông Nam thông tin.
Sáng mua, trưa bán
Tình trạng sốt đất nền tại TPHCM những ngày qua, khiến nhiều mảnh đất được sang tên qua tay nhiều chủ chỉ trong một buổi sáng mua bán.
Ông Nam cho hay, trong tháng qua ông cũng đã sang tên nhiều lô đất cho khách hàng chỉ trong vòng một buổi với số tiền lãi “khủng”. “Hồi đầu tháng, tôi mua mảnh đất hơn 100m2 với giá 2,5 tỷ đồng. Trong lúc đang làm giấy tờ sang tên thì có người đến trả 4 tỷ nên tôi bán luôn. Nhiều dự án đất nền vừa mở bán đã đông nghẹt người mua. Có người mua buổi sáng, đến trưa bán kiếm lời là bình thường. Chưa bao giờ thấy đất nền sốt như hiện nay”, ông Nam nói.
Chị Nguyễn Thị Vy (Quận 12) cho biết, vừa bán lô đất rộng 50m2 trên đường Hà Huy Giáp (Quận 12) thu lời hơn 200 triệu. Chị Vy kể, do có một số tiền dư chưa dùng tới và nghe giá đất tăng nhanh nên vợ chồng chị đi tìm mua đất với ý định mua để đó. Chị nhờ một cò đất ở Quận 12 tìm được mảnh đất trên với giá cả phải chăng nên mua. Khi chị mới đặt tiền cọc buổi sáng thì đến chiều, cò đất gọi lại cho chị báo có người hỏi mua với giá cao hơn 200 triệu nên bán ngay.
Không chỉ TPHCM, khu vực giáp ranh như huyện Đức Hoà, tỉnh Long An những ngày giá đất cũng tăng nhanh, nhiều nhà đầu tư từ TPHCM cũng ôm tiền xuống để gom đất. Chỉ trong vòng vài tháng, giá đất tăng gấp đôi, tại các dự án lớn, giá đất giao động từ 10-14 triệu đồng/m2 so với khoảng 5-6 triệu đồng/m2 vào năm 2017.