Theo ông, triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam chịu tác động ra sao khi Mỹ có khả năng sẽ xem xét việc rút lại loạt biện pháp kích thích trong vài tháng tới?
Tôi nghĩ điều này không đáng lo ngại. Tại Mỹ, giới chuyên gia luôn đặt câu hỏi rằng các gói kích thích có thể kéo dài bao lâu nếu nền kinh tế không ổn định trở lại. Nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đáng kể đến Việt Nam.
Đà tăng trưởng trong năm nay và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ vẫn tiếp tục rất mạnh, nhất là khi Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Rủi ro là tác động của sự tăng trưởng mạnh đối với thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ sẽ gây ra vấn đề cho Mỹ, đặc biệt khi Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ gấp nhiều lần so với xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam. Về mặt tích cực, Việt Nam đã có các hiệp định thương mại quan trọng khác như EVFTA, RCEP… từ đó sẽ cung cấp thêm cơ hội để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hơn nữa.
Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam đang diễn ra khá tích cực, song các doanh nghiệp trong một số ngành cụ thể vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo ông, Việt Nam có cần tung ra các gói kích thích như trước hay không, và làm thế nào để hạn chế việc tạo ra loạt doanh nghiệp "zombie"?
Việc hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp có thể thực sự thách thức, bởi có khả năng gói hỗ trợ sẽ đến các doanh nghiệp không cần được hỗ trợ, chưa kể đến những doanh nghiệp "zombie". Điều này luôn là một vấn đề, ngay cả tại những nền kinh tế lớn.
Thời điểm trước đại dịch, dựa theo thống kê trên tiêu chí lợi nhuận có khả năng duy trì trả lãi vay 3 năm, có khoảng 3.500 doanh nghiệp "zombie" ở Mỹ và châu Âu (chiếm 20% các công ty niêm yết).
Nhiều doanh nghiệp "zombie" lỗ kéo dài nhiều năm, tỷ lệ vay luôn ở mức ngất ngưởng, nhưng nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong giai đoạn đại dịch Covid-19, những doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tồn tại.
Tôi cho rằng, mặc dù Việt Nam còn dư địa để đưa ra các gói kích thích kinh tế tiếp theo, nhưng một cách khác để hỗ trợ những doanh nghiệp cần được hỗ trợ là đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng. Điều này cực kỳ quan trọng, bởi từ đó có thể kích thích tăng trưởng, tăng năng suất trung hạn.
Tôi tin rằng việc tiếp tục thực hiện từng bước để tăng cường đầu tư công, đầu tư vào giao thông khu vực nông thôn, cũng như các đường cao tốc lớn, hạ tầng đô thị… sẽ là những ưu tiên tuyệt đối. Đồng thời, Việt Nam cần đảm bảo mạng lưới an toàn xã hội khi trường hợp xấu nhất xảy ra. Cụ thể, cần hỗ trợ nhóm người dễ bị tổn thương nhất, những doanh nghiệp trong ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, xu hướng mới của thị trường trong hơn 1 năm vừa qua đó là số lượng tài khoản cá nhân trên thị trường chứng khoán liên tục lập kỷ lục dù đây là thời kỳ dịch bệnh và tính bất ổn cũng như dễ tổn thương của nền kinh tế là rất cao. Vì sao lại như vậy?
Đúng là thị trường chứng khoán Việt Nam đang bùng nổ hơn, đặc biệt trong 6-8 tháng vừa qua. Theo tôi nhớ thì tháng 4 vừa rồi là tháng thứ 2 liên tiếp số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân mở mới đạt trên 100.000 tài khoản.
Kết quả này được thúc đẩy một phần không nhỏ bởi phần lớn những người làm việc trong ngành dịch vụ, du lịch giờ phải chuyển sang hướng đầu tư khác, đặc biệt khi họ không đủ nguồn lực để đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất trong trung hạn. Đó là lý do mọi người nhìn sang cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Song, một ưu tiên quan trọng khác cần được thực hiện đó là việc doanh nghiệp cải thiện hệ thống quản trị, để nhà đầu tư có thể đầu tư vào thị trường chứng khoán mà không phải e ngại về thông tin nội bộ không minh bạch.
Đặc biệt khi người dân có nhiều thời gian ở nhà để nghiên cứu hơn. Cộng với việc họ không đi du lịch, ít quan tâm đến việc mua sắm như xe cộ, thì họ tìm đến các phương thức đầu tư khác. Thách thức đối với Việt Nam hiện nay là đảm bảo có thêm nguồn cung trên thị trường chứng khoán, hay cần có thêm nhiều công ty niêm yết hơn.
Để làm được điều này thì các công ty phải có sẵn hệ thống báo cáo tài chính, kiểm toán độc lập, hệ thống kế toán phải minh bạch hơn. Đây là căn cứ để những nhà đầu tư quyết định xem khoản đầu tư của họ có đáng không.
Những xu hướng phi truyền thống bắt đầu xuất hiện. Tại Australia hoặc phần lớn các nền kinh tế thị trường khác, các doanh nghiệp có thể đưa những người không liên quan gì đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng có kỹ năng giám sát tài chính vào hội đồng quản trị. Họ là những cá nhân độc lập, nhằm đảm bảo trách nhiệm giải trình liên quan đến kiểm toán viên.
Những ngành nghề này mới chỉ bắt đầu phát triển. Do vậy cần một số hiệp hội hoặc viện đào tạo để quy trách nhiệm nếu họ có những hoạt động thiếu tính minh bạch trong hội đồng quản trị.