Robot tiếm quyền chỉ là trí tưởng tượng của Hollywood
Các nhà làm phim Hollywood với khả năng sáng tạo vô tận của mình, đã tạo ra những bộ phim mà ở đó, robot có trí thông minh vượt trội. Và tất nhiên, chúng vượt khỏi tầm kiểm soát của con người.
Ám ảnh về robot, trí tuệ nhân tạo (AI), hay máy móc nói chung, đã có từ rất lâu, GS. Jason cho biết tại Vietnam CEO Summit 2018, ngày 25/7. Điều này được ông chỉ ra trong những sự kiện, những tựa báo kể từ những năm 1800.
GS. Jason Furman của ĐH Harvard
Ví dụ, năm 1812, tại Hoa Kỳ đã có phong trào đập phá máy móc vì sợ mất hết công ăn, việc làm.
Năm 1935, Washington Post đăng bài: Máy móc biết tư duy đang thay thế cho con người. Năm 1960, The Wall Street Journal viết: Sự trỗi dậy của robot sẽ lấy đi các công việc của nhà máy Mỹ cũng như bên ngoài lãnh thổ.
Năm 1980, The New York Times đặt câu hỏi tương tự: Robot có phải đang lấy việc làm của bạn hay không?
Những nội dung này, được đưa ra ở thời kỳ, mà theo ông Jason là "mùa đông" của AI (giai đoạn 1960 – 1980), khi những nghiên cứu đang bị ì ạch. Và nay, nỗi lo đang dần hiện hữu, tại thời kỳ được nhận định là "mùa xuân" của AI.
Nhờ vào các thuật toán được nghiên cứu trong thời gian dài, sức mạnh của máy tính cùng với sự bùng nổ dữ liệu, AI đang trong đà phát triển hơn bao giờ hết. Máy móc đã thông minh hơn. Không chỉ tư duy theo cách con người tư duy, dựa trên nguyên lý, máy móc đã có "chiến lược" của riêng mình mà trận thắng cờ vây của AlphaGo là một điển hình.
AlphaGo - AI được Google tạo ra, thay vì được dạy chiến lược, các ván chơi, nó được cung cấp các nguyên lý cơ bản. Sau đó, tự nó chơi với chính nó và tìm ra cách thức nào tốt nhất để chiến thắng.
Dù vậy, GS. Jason nhấn mạnh rằng AI hay robot không thay thế con người. Nó chỉ thay một phần công việc, chứ không phải toàn bộ, theo ông. "Máy móc không thể làm mọi thứ", ông nhấn mạnh và cho biết thông qua AI, nhiều việc làm sẽ được tạo ra.
Không thể thay thế cho con người trong công việc, hẳn nhiên, máy móc cũng sẽ không có chuyện tiếm quyền, như những lo lắng có từ xa xưa. AI, robot, trong một chừng mực nào đó, cũng có thể có thiên lệch, nhưng đây là điều bình thường, tương tự con người không toàn mỹ.
Những thiên lệch của máy móc, ông Jason cho biết đến từ phạm vi dữ liệu vẫn có thiếu sót, do con người cung cấp. Nghĩa là sẽ không có một sự tuyệt đối nào ở đây cả, mà chỉ có sự giảm đi của những sai sót.
Theo những phân tích của mình, vị GS đến từ Harvard cho rằng, không nên sợ hãi với công nghệ.
Việt Nam ở đâu trong cuộc chơi?
Việt Nam hiện là nước tụ hậu về AI so với các nước văn minh, tiên tiến. Dù vậy, ông Jason tỏ ra lạc quan khi nêu ra những điểm mạnh của đất nước hơn 90 triệu dân. Lý lẽ của ông, tỏ ra tương đồng với rất nhiều chuyên gia quốc tế khi nói về Việt Nam.
Đơn cử như dân số trẻ, năng động, ham học hỏi. Người Việt có khát vọng lớn... Đặc biệt, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế của người đi sau, khi Internet đã trở nên phổ cập, vi tính, máy móc được tiếp cận dễ dàng hơn...
Những điều này được ông Jason nhận định là cơ sở để Việt Nam có thể đuổi kịp thế giới. "Mục tiêu nhảy vọt hoàn toàn có khả năng đạt được", ông nói.
Để khắc phục những khó khăn như thiếu chuyên gia, nhà hoạch định chính sách về AI, môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, DNNN vẫn nắm nhiều nguồn lực... ông Jason đã đưa ra một số khuyến nghị.
Cụ thể, ông Jason cho rằng phải coi khối tư nhân là lực đẩy chủ yếu và phải cởi mở với những ý tưởng mới. Điều này, Việt Nam phần nào đã làm được và cần tiếp tục trong tương lai.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải có một bộ dữ liệu đủ lớn. Ở thời kỳ này, dữ liệu của bất cứ quốc gia đơn lẻ nào, cũng được xem là nhỏ. Vì vậy, cần có sự kết nối giữa các nước lại với nhau. Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng. Việt Nam có thể áp dụng Chính phủ trí tuệ nhân tạo để làm gương...
Ngoài ra, vị GS. Harvard cũng khuyến nghị AI cần phải được sử dụng có đạo đức, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vì một thế giới tốt đẹp hơn.