Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vừa ký văn bản về việc bãi bỏ các văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, tạm dừng triển khai các thủ tục của một số dự án có sử dụng đất trong thời gian chờ kết luận chính thức của các cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Hàng loạt dự án "đứng bánh"
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), đến tháng 12-2020, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 579 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, được chia thành 3 nhóm gồm: nhóm dự án tiếp tục triển khai (148 dự án); nhóm xem xét, khắc phục vướng mắc tồn tại (409 dự án) và nhóm xem xét chấm dứt hoạt động, đã thu hồi (22 dự án).
Qua rà soát, Sở KH-ĐT nhận thấy các dự án còn nhiều vướng mắc, nổi cộm là vướng về thủ tục quy hoạch vì một số khu vực chưa có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch không còn phù hợp; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vướng mắc khiến quá trình thực hiện dự án bị kéo dài; nhiều dự án triển khai thi công xây dựng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc thi công không đúng với giấy phép xây dựng...
Nhiều dự án ở tỉnh Khánh Hòa chậm tiến độ hơn 2 năm vì các sai phạm trong quản lý đất đai của địa phương
Từ năm 2018, việc triển khai xây dựng ở nhiều dự án tại Khánh Hòa bị chậm tiến độ rất nhiều do ảnh hưởng của việc thanh tra, kiểm tra. Một số dự án chưa thể hoàn thành thủ tục để được cấp phép xây dựng theo quy định. Một chủ đầu tư ở Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh thậm chí có đơn kêu cứu gửi Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ UBND tỉnh và Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đơn phương dừng tiếp nhận hồ sơ hành chính các dự án nên việc điều chỉnh giấy phép xây dựng chưa thể thực hiện được.
Một chủ đầu tư đã 10 năm theo đuổi dự án ở Nha Trang ngậm ngùi cho biết dự án của ông dù được đấu thầu công khai theo đúng quy định pháp luật nhưng trước các sai phạm của các dự án khác nên toàn bộ hoạt động phải ngừng. Ông từng kiến nghị thì tỉnh Khánh Hòa trả lời phải đợi hướng dẫn của bộ, ngành và Chính phủ. Ngay cả việc quy hoạch phân khu, các tỉnh khác đã làm từ năm 2009, đến nay, tỉnh Khánh Hòa mới có quy hoạch chung TP Nha Trang từ năm 2012.
"Chúng tôi cũng phải đợi quy hoạch, nhanh nhất cũng phải 1 năm mới có quy hoạch. Rồi dự án phải điều chỉnh, xin giấy phép xây dựng…, việc khởi động cũng phải mất vài năm nữa. Những thiệt hại về kinh tế khiến rất nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà khi bỏ vốn đầu tư ở đây" - chủ đầu tư này nói.
Tạo điều kiện tối đa để đẩy nhanh tốc độ dự án
Để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án, ngày 5-4, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Văn bản 2619/UBND-XDNĐ gửi sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cho biết UBND tỉnh thống nhất bãi bỏ các văn bản số 4741 (ngày 17-5-2018), số 143 (ngày 16-4-2018), số 144 (ngày 9-5-2018), số 223 (ngày 27-6-2019) và các văn bản khác của UBND tỉnh Khánh Hòa có nội dung liên quan đến việc tạm dừng dự án để chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Đây là các văn bản yêu cầu sở, ngành kiểm tra, rà soát các dự án có sử dụng đất, kể cả các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trước đây, làm rõ những nội dung chưa đúng quy định và tham mưu, đề xuất hướng xử lý, khắc phục. Vì vậy, gần 2 năm qua, các kiến nghị của các nhà đầu tư liên quan đến triển khai các dự án, UBND tỉnh không thể giải quyết được.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng ra Thông báo số 66 (ngày 5-3) về giải quyết vướng mắc cho các dự án. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết qua rà soát của các sở, ngành, có một số nội dung về quản lý đầu tư cần khắc phục là đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; liên doanh - liên kết; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, mật độ xây dựng; xử lý "đất ở không hình thành đơn vị ở"; xác định lại tiền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính liên quan chống thất thu ngân sách.
Để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, quan điểm chung của tỉnh Khánh Hòa là hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để các dự án sớm ổn định, đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành nhưng phải chống thất thoát ngân sách, phù hợp với quy định hiện hành.
Với nhóm 35 dự án chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác bị Thanh tra Chính phủ kết luận, chỉ rõ các sai phạm và Thông báo 680 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết sẽ xem xét giải quyết trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Tổ công tác 52. Cụ thể, đối với các dự án không phải chấm dứt hoạt động theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì sở, ngành, địa phương và cơ quan liên quan khẩn trương xử lý, khắc phục tồn tại, thiếu sót và hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục theo quy định. Thời gian thực hiện và hoàn thành trước ngày 30-4.
Đối với nhóm 82 dự án ven đồi núi, UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, xử lý hoàn thành các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm cơ sở thực hiện.
Nhóm các dự án ở Khu Kinh tế Vân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục rà soát, xử lý các vướng mắc, khó khăn của các dự án thuộc thẩm quyền quản lý; khẩn trương hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng và lập quy hoạch chi tiết làm cơ sở xem xét, giải quyết các vướng mắc liên quan.
Phê duyệt giá đất cho nhiều dự án
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội đồng giá đất tỉnh này, khẩn trương chỉ đạo việc xác định giá đất, trình hội đồng thẩm định, phê duyệt giá đất làm cơ sở đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với nhà nước của các dự án, tạo nguồn thu ngân sách.
Trước mắt, tập trung thực hiện việc xác định giá đất các dự án: Khu đô thị Lê Hồng Phong I và II, Hoàng Long, Phước Long, Mỹ Gia, Hưng Thịnh, Phúc Khánh 1, Phúc Khánh 2, An Bình Tân, Mipeco - Nha Trang và các dự án khác trên địa bàn TP Nha Trang.