Bước đi này diễn ra sau khi nhà chức trách quốc gia châu Âu này thông báo số trường hợp tử vong vì Covid-19 tăng thêm 627, lên 4.023 trong ngày 20-3, mức tăng cao nhất trong một ngày trên thế giới cho đến giờ. Dù vậy, ông Giorgio Gori, Thị trưởng TP Bergamo thuộc vùng Lombardy - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nói với trang Huffington Post rằng con số người tử vong thật sự tại địa phương ông cao gấp 4 lần con số được chính thức công bố.
Đã xuất hiện lời kêu gọi chính phủ Ý thực hiện các biện pháp mới và nghiêm ngặt hơn để bảo đảm người dân ở nhà sau khi cảnh sát cho biết vẫn còn hàng chục ngàn người vi phạm lệnh phong tỏa toàn quốc được thực thi từ ngày 9-3 đến 3-4. Trả lời phỏng vấn báo Corriere della Sera, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nhận định các biện pháp hạn chế đang tỏ ra hiệu quả và cần được kéo dài. Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ ra rằng sai lầm lớn nhất của Ý là không thực hiện phong tỏa toàn quốc sớm hơn.
Trung tâm TP Los Angeles, bang California - Mỹ trở nên vắng vẻ hôm 20-3 sau khi 40 triệu dân bang này được lệnh ở nhà trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lanẢnh: Reuters
Ông Giorgio Palù, một chuyên gia về vi sinh học và virus học tại Trường ĐH Padova (Ý), cho rằng bước đi này nên được thực thi ngay từ đầu. Thay vào đó, nhà chức trách Ý chỉ áp đặt lệnh phong tỏa đối với khoảng 11 thị trấn hôm 22-2 sau khi biết về sự bùng phát của các ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại Mỹ, dịch Covid-19 vẫn đang không ngừng lây lan, khiến 75 triệu người được yêu cầu ở lại trong nhà. Ông Francis Collin, Giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), hôm 20-3 cho biết số ca nhiễm Covid-19 là khoảng 14.000 nhưng con số này có thể tăng vọt lên đến 70.000 vào cuối tuần tới. Bất chấp sự gia tăng của số ca nhiễm và trường hợp tử vong vì Covid-19, Tổng thống Donald Trump hôm 20-3 tuyên bố Mỹ đang "chiến thắng" cuộc chiến này và không cần phải ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc, giống như những gì chính quyền 2 bang California và New York đang làm.