Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho người mua từ các quốc gia "không thân thiện" trừ khi họ chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp từ 1/4. Đây sẽ là đòn giáng mới nhất của Nga vào châu Âu xung quanh vấn đề năng lượng.
"Để mua khí đốt Nga, họ cần mở tài khoản bằng đồng rúp trong các ngân hàng Nga", ông Putin nói với các quan chức trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 31/3. "Tiền từ chính các tài khoản đó sẽ bắt đầu được dùng để thanh toán các khoản mua khí đốt từ 1/4. Nếu các khoản thanh toán đó không được thực hiện, chúng tôi sẽ coi đây là thất bại của khách hàng trong việc tuân thủ các nghĩa vụ của mình".
Chỉ thị do nhà lãnh đạo Nga ký cũng cho biết khách hàng nên mở tài khoản đặc biệt trong ngân hàng quốc doanh Gazprom, nơi mà các khoản ngoại tệ có thể chuyển sang đồng rúp để đáp ứng các khoản thanh toán.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi chỉ vài ngày trước, các nước G7 và Liên minh châu Âu (EU) đều tuyên bố không chấp nhận thanh toán khí đốt bằng đồng rúp của Nga. Trong cuộc họp hôm 29/3, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các quốc gia thành viên EU sẽ không thanh toán khi đốt nhập khẩu từ Nga bằng đồng rúp cũng như bác bỏ cơ chế thanh toán mà Moscow tuyên bố áp dụng từ 1/4.
Một ngày trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng G7 cũng từ chối thanh toán tiền khí đốt cho Nga bằng đồng rúp. Thậm chí, ông Habeck còn cho rằng nếu người dân lạnh thì mặc thêm áo vào chứ không chịu nhượng bộ yêu cầu của Nga.
Về phần mình, Điện Kremlin cũng tuyên bố rằng họ sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí. Theo đó, các nước nhập khẩu cần đáp ứng yêu cầu của Nga nếu không muốn bị cắt nguồn cung khí đốt, vốn rất quan trọng cho cả châu Âu. Nga đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt của EU.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaz Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi hôm 30/3, Tổng thống Putin cũng đã thông báo về yêu cầu thanh toán tiền khí đốt mới của Nga. Dù không nhận được sự đồng thuận của hai nhà lãnh đạo Đức và Italy nhưng tuyên bố mới nhất của ông Putin cho thấy nước Nga cũng sẽ không nhượng bộ.
Kể từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga trở thành tâm điểm trừng phạt của phương Tây. Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp dụng những biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề nhất nhằm làm tổn hại tới mức tối đa với nền kinh tế Nga. Thậm chí, Mỹ cũng đã trừng phạt dầu mỏ Nga, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Moscow.
Dù đồng ý với Mỹ về nhiều vấn đề nhưng châu Âu tuyên bố sẽ không cấm vận dầu mỏ và khí đốt của Nga bởi sự phụ thuộc nặng nề của châu lục này vào năng lượng của Moscow. Nga đáp ứng hơn 20% nhu cầu dầu mỏ và 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Mặc dù EU liên tiếp công bố kế hoạch dừng phụ thuộc vào năng lượng của Nga nhưng việc tìm kiếm một nguồn cung thay thế ngay lập tức là điều bất khả thi.
Trong khi đó, OPEC+ không sẵn sàng gia tăng sản lượng. Việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng LNG cũng khó có thể tiến hành ngay lập tức khi châu Âu thiếu cảng và kho chứa cho loại nhiên liệu này.