Những lo ngại không hề giảm bớt khi các nhà chức trách địa phương tìm cách đảm bảo rằng họ đã chuẩn bị tốt để chống dịch trong trường hợp địa phương họ quản lý phải phong tỏa. Việc 25 triệu dân Thượng Hải gặp khó trong việc tiếp cận thực phẩm hay dịch vụ chăm sóc y tế khi nơi đây bị phong tỏa đã cho thấy thách thức khủng khiếp.
Thành phố cảng Quảng Châu, nơi có 18 triệu dân đã tiến hành xét nghiệm y tế bắt buộc sau khi phát hiện vài ca mắc Covid-19 hồi tuần trước. Các quan chức nhấn mạnh thực phẩm và các nguồn cung khác đều đã được chuẩn bị nhưng báo chí địa phương lại nói rằng tình trạng thiếu hụt bao trùm các siêu thị khi người dân hoảng loạn mua sắm để tích trữ đồ ăn.
Trên mạng xã hội, những bài viết chỉ cách bảo quản thực phẩm lâu hơn hay cần chuẩn bị những gì khi bị phong tỏa cũng được chia sẻ rộng rãi. Báo chí thì "hiến kế" để chính quyền địa phương có thể đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm trong giai đoạn phong tỏa để chống dịch.
Những lo ngại trong công chúng ngày càng lan rộng khi Trung Quốc bước vào giai đoạn khó khăn trong cuộc chiến chống Covid-19. Ngoài Thượng Hải, nhiều địa phương khác cũng đã ghi nhận các ca mắc Covid-19, bao gồm cả những thành phố trực thuộc trung ương. Điều này tạo ra những áp lực khủng khiếp với chiến lược Zero-Covid mà nước này theo đuổi.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc sẽ không mạo hiểm nới lỏng chính sách Zero Covid của mình. Đây cũng là thời điểm nhạy cảm đối với Bắc Kinh khi sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất chuẩn bị diễn ra vào mùa thu năm nay.
Tuy nhiên, tiếp tục chống dịch theo phương thức hiện tại khiến trung Quốc hao tổn nguồn lực một cách nghiêm trọng, trong đó không thể không kể đến các y bác sĩ và nhân viên y tế. Việc các đợt bùng phát dịch liên tiếp diễn ra khiến sức ép đè lên vai lực lượng y tế là khủng khiếp. Trong khi đó, biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh, khiến các biện pháp chống dịch truyền thống khó đạt hiệu quả.
Ở Thượng Hải và Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, số ca mắc Covid-19 mới tiếp tục gia tăng bất chấp các biện pháp cách ly, phong tỏa trên diện rộng. Điều này khiến ngày càng nhiều người cảm thấy sốt ruột, nhất là khi nhu yếu phẩm thiết yếu và khả năng tiếp cận y tế bị tê liệt. Trên mạng xã hội, chủ đề này cũng đang thu hút nhiều hơn sự chú ý của cư dân mạng.
Với những gì đang xảy ra, nhiều chuyên gia cho rằng chính sách chống dịch của Trung Quốc đang gặp thách thức lớn. Alex Cook, phó giáo sư tại Trường Công lập Saw Swee Hock của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: "Biến thể Omicron rất dê lây lan và trong hầu hết các trường hợp chỉ gây ra triệu chứng nhẹ nên việc ngăn chặn sự lây lan của chúng rất khó khăn. Trung Quốc từng rất thành công với chiến lược Zero Covid cho tới gần đây nhưng không ai chắc chắn sách lược này tiếp tục phát huy hiệu quả trong kỷ nguyên của Omicron".