Trước thời điểm 2 giám đốc của Công ty CP Địa ốc Alibaba và Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Angel Lina bị bắt giam, UBND quận Bình Tân (TP HCM) đã từng điểm mặt 9 dự án của 5 công ty tự ý phân lô, bán nền, trong đó có cả đất thuộc quy hoạch là đất trường học, đường giao thông dự phóng, cây xanh... Đến nay vẫn còn 4 công ty hoạt động.
Công khai lừa bán đất
Trong khi đó tại quận 12, trong vòng 11 tháng, ít nhất 6 lần UBND quận điểm mặt 3 công ty môi giới bất động sản (BĐS) ngang nhiên hoạt động, cắm mốc trên khu đất thuộc quản lý của UBND phường, đất quy hoạch làm điểm tập kết rác. Tương tự, tại quận 9 cũng có 2 dự án BĐS không tồn tại nhưng tự ý rao bán, đặt cọc khách hàng.
Đáng nói, dù nhiều lần bị điểm tên, chỉ mặt nhưng một số công ty vẫn ngang nhiên hoạt động. Đơn cử, Công ty TNHH Phát triển nhà ở Nabla Land (trụ sở tại quận Bình Tân) từng lừa bán thửa đất số 408, tờ bản đồ số 62, phường Thạnh Xuân, quận 12. Nguồn gốc đất làm phòng thí nghiệm nuôi cấy mô thực vật và nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, công ty còn nhận tiền đặt cọc hàng loạt khách hàng thửa đất gần hẻm 480 đường Mã Lò (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) là đất trường học. Sáng 12-11, phóng viên Báo Người Lao Động vào vai khách hàng liên hệ thì nhân viên môi giới vẫn cam kết dự án nhà ở đất nền ở 2 khu vực nói trên vẫn thực hiện thủ tục sang nhượng bình thường.
Khu đất thuộc đường dự phóng và công viên cây xanh trên đường số 7, khu dân cư Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TP HCM bị phân lô trái phép
Đến nay đã có hàng chục khách hàng nộp đơn tố cáo Công ty Hoàng Kim Land (trụ sở tại quận 7) khi công ty này lừa bán khu đất mặt tiền đường số 7 (gần hẻm 175 Hồ Văn Long, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân). Đây là khu đất được UBND quận thông tin thuộc quy hoạch cây xanh và đường dự phóng.
Theo ghi nhận của phóng viên, đây là khu đất có đường dẫn vào Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc. Một bãi đất trống với vài trụ xi măng cắm cọc. Toàn bộ dự án chỉ là cảnh ngổn ngang đất, đá và ống cống. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này vẫn thường xuyên dẫn khách hàng đến để huy động vốn trái phép. Gần đó, lô 7 thửa đất thuộc góc ngã tư đường Trần Văn Giàu - Võ Trần Chí thuộc quy hoạch cây xanh nhưng đang bị Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Năm Tài (trụ sở tại quận Bình Tân) đứng ra nhận làm chủ đầu tư triển khai dự án phân lô, bán nền.
Công thức lừa đảo
Đại diện Quản lý Đô thị quận 12 cho biết "công thức" mà các đối tượng lừa đảo thường dùng là lựa chọn các khu đất thuộc diện quy hoạch "treo". Sau đó, liên hệ chủ đất mua với giá đất ngang với giá thị trường. Từ đó, chủ đất làm giấy ủy quyền cho công ty BĐS và ăn chia trên lợi nhuận hợp đồng bán ra. Số khác thì tự thiết kế bản vẽ và phát tờ rơi ở các ngã tư, đăng tải trên mạng xã hội và các trang giao dịch mua bán với hình thức góp vốn. Đến hẹn, dẫn khách tham quan dự án, thuê 2-3 xe ủi, xe xúc hoạt động để tạo lòng tin cho khách. "Giá được rao bán đất nền rẻ hơn khu vực xung quanh, thậm chí rẻ hơn các căn hộ chung cư lân cận"- vị này cho hay và dẫn chứng khu đất gần miếu Võ Rồng hiện thuộc quy hoạch công viên cây xanh. Giá đất lân cận lên đến 30 triệu đồng/m2 nhưng chủ đất liên kết các công ty môi giới BĐS tự phân lô, bán nền giá chỉ 15-18 triệu đồng/m2. Ham rẻ nên nhiều người sập bẫy.
Theo ông Nguyễn Thanh Duy Tân - Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân - chính quyền địa phương phối hợp công an quận để cung cấp thông tin đẩy nhanh tiến độ xử lý đơn tố cáo của khách hàng đối với một dự án "ma" trên địa bàn. Đáng nói là các đối tượng rất manh động, địa phương cắm biển cảnh báo thì chúng đập bỏ, xịt sơn...
"Chúng tôi cho lắp đặt camera giám sát, hễ thấy có môi giới hoặc nhân viên các công ty BĐS xuất hiện thì cử cán bộ xuống thông tin cho người dân nắm bắt" - ông Tân nêu giải pháp tình thế.
Một lãnh đạo UBND quận thừa nhận hiện nay các địa phương đang vất vả chạy đua theo các "đầu nậu" công ty môi giới BĐS để ngăn chặn việc chào mời bán dự án "ma". Có lúc chính quyền địa phương rơi vào thế bị động khi các đối tượng có nhiều chiêu đối phó.
Kêu gọi người dân tố cáo
Ông Hồ Ngọc Tùng - Chủ tịch UBND phường Trường Thạnh, quận 9 - cho biết chính quyền luôn cho cán bộ theo dõi các thông tin rao bán dự án trên mạng, từ đó kịp thời nắm bắt thông tin các dự án. Qua đó, một mặt thông báo cho người dân và cắm bảng cảnh báo; mặt khác kêu gọi tổ chức, cá nhân đã đặt cọc và giao dịch dự án "ma" đến cơ quan công an trình báo, tố cáo.
Với quận Bình Tân, theo ông Lê Văn Thinh- Chủ tịch UBND quận, giải pháp để đối phó với dự án "ma" là khi phát hiện dự án "ma", chính quyền sẽ chuyển cho công an để chủ động công tác xử lý đơn thư, tố giác của tổ chức, cá nhân. Việc khởi tố các công ty có hành vi kinh doanh lừa đảo cũng góp phần răn đe, chấn chỉnh tình hình phân lô, bán nền trái phép gây ảnh hưởng đến hoạt động cơ quan chức năng.