Mở đường bay quốc tế thường lệ mới đón được đông khách quốc tế. Tuy nhiên, đối phó với biến thế mới của Covid-19, chính sách thiếu nhất quán về cách ly, việc đếm F0,... khiến cả hàng không và du lịch đều khó mở cửa.
Duy nhất một chặng khởi hành đúng 1/1/2022
Việt Nam sẽ mở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế từ 1/1/2022. Đến thời điểm này, một số thị trường đã đồng ý mở lại đường bay quốc tế thường lệ tới Việt Nam. Các hãng hàng không nội địa bắt đầu mở bán vé. Tuy nhiên, rất ít chuyến bay cất cánh được ngay ngày đầu tiên của năm 2022.
Cụ thể, duy nhất chặng TP.HCM - Phnom Penh, Vietnam Airlines khởi hành ngày 1/1/2022, chiều đi giá vé 2,5 triệu đồng, chiều về giá 5,3 triệu đồng (đã bao gồm thuế, phí). Hãng này cho hay đã mở bán vé các chặng đến Campuchia, Nhật Bản, Mỹ từ 29/12.
Với đường bay tới Nhật Bản, chặng Hà Nội - Tokyo, Vietnam Airines bán vé cho ngày khởi hành 5/1/2022, chiều đi giá thấp nhất 11,7 triệu đồng, chiều về giá 15,6 triệu đồng. Chuyến bay của Vietjet Air khởi hành sau một ngày, từ 6/1, giá vé chiều đi 6,6 triệu đồng, chiều về 9,8 triệu đồng (đã gồm thuế, phí).
Nhu cầu về nước của Việt kiều tăng mạnh dịp Tết |
Với đường bay tới Đài Bắc (Đài Loan), Bamboo Airways đã mở bán vé, chuyến bay đầu tiên cất cánh ngày 5/1/2022, giá chiều đi 4,5 triệu đồng, chiều về 12,5 triệu đồng.
Chiều từ Đài Bắc về Hà Nội, Vietjet Air khởi hành ngày 8/1 với giá vé 6,8 triêu đồng; từ Đài Bắc về TP.HCM ngày 12/1 giá vé 12,2 triệu đồng. Riêng Vietnam Airlines chưa mở bán vé.
Với đường bay tới Mỹ, Vietnam Airlines tiếp tục khai thác chặng TP.HCM - San Francisco, bay ngày 9/1/2022, giá vé chiều đi 21,2 triệu đồng, chiều về 45 triệu đồng.
Như vậy, từ 1/1/2022 Việt Nam sẽ mở lại 5 đường bay quốc tế tới Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Campuchia, Mỹ (thực tế đã khai thác). 4/9 quốc gia còn lại Việt Nam muốn thí điểm mở bay quốc tế giai đoạn đầu nhưng chưa được là Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Lào.
Vì sao khó mở lại bay quốc tế?
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT kiến nghị thực hiện thí điểm giai đoạn 2 mở bay quốc tế thường lệ ngay từ ngày 1/1/2022 đối với thị trường Pháp, Đức, Nga và Úc. Đồng thời, tăng tần xuất trên một số đường bay tại châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, lý do khiến việc mở lại các đường bay quốc tế không khả thi là quy định về cách ly và sự bùng phát của biến chủng mới Omicron.
Theo Bộ GTVT, cả 9 thị trường kết nối hàng không với Việt Nam trong giai đoạn thí điểm đều xuất hiện ca mắc biến chủng Omicron. Do đó, Nhật Bản vẫn áp dụng chính sách hạn chế người nhập cảnh, còn Hàn Quốc tạm thời quy định cách ly 10 ngày đối với người nước ngoài nhập cảnh (dự kiến đến ngày 15/1/2022).
Thực hiện Công điện 9406 của Thủ tướng Chính phủ, hành khách sẽ phải test nhanh trước khi lên tàu bay. Do đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục đàm phán với các đối tác để bổ sung quy định này. Ngay một số nước như Nhật Bản, Mỹ cũng đang triển khai test trực tiếp tại sân bay.
Chưa kể trong nước, một số địa phương lại ban hành quy định không thống nhất. UBND TP. Hà Nội ngày 27/12 vẫn ra văn bản yêu cầu "đối với chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các nước có biến thể Omicron, bắt buộc cách ly tập trung khách nhập cảnh dù đã tiêm vắc xin hoặc từng mắc Covid-19", nhưng lại không có bất kỳ phương án nào kèm theo liên quan đến việc triển khai cách ly như địa điểm, quy trình tiếp nhận cách ly...
Biến thể Omicron, quy định thiếu nhất quán về cách ly, thủ tục nhập cảnh,... khiến việc mở các chuyến bay quốc tế thường lệ khó khả thi |
Trong khi đó, dỡ bỏ quy định cách ly tập trung đối với hành khách nhập cảnh là một trong những điều kiện bắt buộc nếu muốn mở bay thương mại thường lệ quốc tế. Quy định bắt buộc cách ly tập trung của Hà Nội, vì vậy, sẽ là rào cản kỹ thuật khiến việc thực hiện các chuyến bay thường lệ quốc tế không khả thi.
Hay, việc Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị Cảng vụ Hàng không cung cấp danh sách người nhập cảnh trên từng chuyến bay cho CDC TP.HCM ít nhất 24 giờ trước khi nhập cảnh, có đủ thông tin địa chỉ nơi lưu trú, cư trú tại Việt Nam. Trong khi, khách nhập cảnh đã phải khai báo thông tin này tại các ứng dụng PC-Covid và IgoVN. Các hãng hàng không cũng có trách nhiệm kiểm tra việc này. Yêu cầu của Y tế TP.HCM sẽ gây khó khăn cho việc triển khai các chuyến bay quốc tế thường lệ.
Đừng sợ hãi F0 và bỏ quy định cách ly
Chưa bao giờ, việc mở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế lại được trông đợi như hiện nay. 150.000 Việt kiều trên khắp thế giới đang ngày đêm mong chờ để bay về nhà ăn Tết. Con số thực tế người Việt muốn bay về quê có thể lên đến cả triệu người.
Một bà mẹ ở Hà Nội có con du học ở Nam Phi, liên tục tìm kiếm thông tin, cầu cứu các “cửa” để con có thể về nước dịp Tết Nguyên đán, nhưng vừa than thở bất lực.
“Các quy định vướng nhau, đạp nhau chan chát. Các cánh cửa cho mở bay thương mại cứ hẹp dần hẹp dần. Nhật với Mỹ mở trước ư? Đều có Omicron rồi. Cách ly tập trung hết? Chưa có hướng dẫn quy trình. Lập danh sách hành khách trước chuyến bay 24h,... ”. Các hàng rào liên tục được dựng lên, ngáng trở việc mở lại các chuyến bay quốc tế. “Nên, cứ là bay hồi hương tự nguyện 60-80 triệu/người thôi. Nên, cứ là tìm đường mà bò về qua nước bạn Campuchia thôi!”, bà xót xa.
Bà cho rằng, hơn một tháng nay, số người bay về qua đường Campuchia nườm nượp, dù gian khổ vì ăn trực nằm chờ, trung chuyển, đi xe qua cửa khẩu Mộc Bài, mà vẫn sung sướng vì về được quê nhà mà không bị bóp cổ vì các chuyến bay hồi hương giá cao nhọc nhằn.
Mở lại các chuyến bay quốc tế cũng là mở rộng cánh cửa đón khách du lịch quốc tế, số lượng vốn rất hạn chế do Việt Nam mới thí điểm thông qua các chuyến bay charter.
Theo chuyên gia hàng không - du lịch Lương Hoài Nam, vắc xin mới là nhân tố thay đổi cục diện chống Covid, chứ đóng cửa quốc tế không giải quyết được gì nhiều. Đóng cửa còn làm cho việc trở về nước của rất nhiều người Việt ở nước ngoài quá khó và đắt đỏ; các chuyên gia, giới đầu tư, kinh doanh nước ngoài đến Việt Nam cũng khó; trong khi các hãng hàng không, các doanh nghiệp du lịch mất đi những cơ hội phục hồi quý báu.
Do đó, để đảm bảo việc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách, Bộ GTVT kiến nghị UBND các tỉnh và thành TƯ cần tuân thủ triển khai thống nhất Hướng dẫn của Bộ Y tế, không có quy định hoặc các hướng dẫn khác.
Còn về việc đếm F0, tại một diễn đàn du lịch mới đây, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, kêu gọi chúng ta đừng đếm F0 nữa. Theo ông, nếu Việt Nam còn đếm F0 là khách quốc tế còn sợ, không vào nữa.
Ng.Hà