Nhiều mô hình hiệu quả
Trong những năm qua, nông nghiệp huyện Con Cuông có bước phát triển, cơ cấu kinh tế nghành chuyển dịch tích cực, sản lượng tăng trưởng cao.
Đặc biệt, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như cam, chè, mía, trồng rừng…
Ông Nguyễn Hữu Nhị - Tỉnh Ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm truyền thống của Con Cuông nhân dịp Đại hội Hội Nông dân huyện Con Cuông khóa X. Ảnh: Lê Tập
Anh Nguyễn Văn Dần (bản Cửa Rào, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) chia sẻ: “Xuất thân gia đình nông dân, lấy vợ rồi tách ra ở riêng với hai bàn tay trắng. Nhờ chính sách với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sự quan tâm của huyện, tôi vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng… Mỗi năm, trừ chi phí gia đình tôi còn lãi gần 500 triệu đồng”.
Anh Dần mong muốn: “Cần chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Tạo điều kiện về vốn để phát triển kinh tế, thời gian cho vay vốn hợp lý theo từng đề án phát triển kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cho nông dân các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Người nông dân cần tìm đầu ra ổn định cho nông sản. Ảnh: Lê Tập
Mô hình ông Nguyễn Ngọc Trung (hội viên thôn Tiến Thành, xã Chi Khê) cũng cho hiệu quả tốt. Năm 2010, ông Trung thành lập Hợp tác xã Cây con xã Chi Khê với 20 xã viên, sản xuất các loại giống cây trồng lâm nghiệp, cây ăn quả và một số dịch vụ khác. Doanh thu bình quân hàng năm của hợp tác xã trên 1 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho 20 lao động, mức thu nhập bình quân 3,5 – 4 triệu đồng/người. Sau khi đã trừ mọi chi phí, nhân công, thu nhập của từ 150 - 200 triệu đồng/ năm.
Nay ông Trung mạnh dạn thực hiện mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch trong nhà lưới với diện tích 0,2 ha theo quy trình VIETGAP, tiếp tục đầu tư keo, mét, lát, cây ăn quả.
Sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ảnh: Lê Tập
Phát triển nghề thủ công nghiệp
Chị Vi Thị Hồng (ở bản Xiềng, xã Môn Sơn) cho biết: “Hàng dệt thổ cẩm là “đặc sản” của vùng nhưng khó tiêu thụ nên chúng tôi sản xuất cầm chừng, chỉ có dịp tết mới có đơn đặt hàng thì chị em của HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn mới tất bật. HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn hiện có trên 60 thành viên tham gia nghề dệt thổ cẩm, mức lương chưa cao vì phải phụ thuộc vào đơn đặt hàng nhưng đây lại là công việc tranh thủ lúc nông nhàn cho thêm 2,5 -3 triệu đồng/người/tháng”.
Chị Hà Thị Hằng - Chủ nhiệm HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn chia sẻ: “HTX luôn tìm tòi, nghiên cứu những mẫu mã để đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để tìm kiếm được nhiều đơn đặt hàng, tạo thu nhập ổn định quanh năm cho chị em".
Ông Nguyễn Đình Hùng, Tỉnh ủy viên - Bí thư huyện ủy Con Cuông mong muốn Hội Nông dân huyện Con Cuông phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Ảnh: Lê Tập
Ông Vi Văn Bính – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Con Cuông chia sẻ: “Phát triển các mô hình đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Con Cuông sẽ tiếp tục nhân rộng và phát triển thêm các mô hình, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân”.
“Để xây dựng và nhân rộng mô hình có hiệu quả, cán bộ các cấp Hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là khâu then chốt trong mọi công tác, hoạt động. Hội mong các hội viên đoàn kết sáng tạo, vượt khó để làm ra các sản phẩm có thương hiệu đặc trưng của huyện Con Cuông, có sức cạnh tranh, tiêu thụ mạnh” - ông Nguyễn Hữu Nhị - Tỉnh Ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An. |