“Đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc cách mạng ngân hàng số tiến nhanh hơn 5 năm và xu thế này đang ngày càng mạnh hơn”, Chủ tịch Hironori Kamezawa của Mitsubishi UFJ Financial Group nói với tờ Nikkei Asian Review.
Đã hơn 20 năm kể từ ngày các ngân hàng số xuất hiện trên thị trường Nhật Bản và sự bùng nổ của ngành này đang ngày càng rõ rệt. Hiện các ngân hàng số nắm giữ 3% lượng tiền gửi tại Nhật Bản, cao hơn so với 1,6% của 5 năm trước. Hầu hết mọi ngân hàng hiện nay đều đang phải chuẩn bị cho làn sóng đổi mới khi kỹ thuật số len lỏi vào từng mảng kinh tế cũng như đời sống, xã hội.
Ngân hàng số tại Nhật Bản còn nhỏ nhưng tăng trưởng đều bất chấp đại dịch lẫn lạm phát
Trong vài tháng qua, 2 ngân hàng lớn tại Nhật Bản đã tuyên bố đầu tư vào mảng kỹ thuật số và tài chính điện tử. Ngoài ra, 2 ngân hàng kỹ thuật số lớn nhất nước này là SBI Sumishin Net Bank và Rakuten Bank cũng đang chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào đầu năm tới.
Các chuyên gia phân tích đánh giá tổng giá trị của 2 ngân hàng này vào khoảng 300 tỷ Yên, tương đương 2,1 tỷ USD, cho đến 400 tỷ Yên, qua đó biến chúng thành vụ IPO lớn nhất tại Nhật Bản trong năm nay.
Nếu thành công thì đây sẽ là 2 người chơi mới sau vụ IPO của ngân hàng số Kakaobank tại Hàn Quốc và Nu Holding của Brazil vào năm ngoái, qua đó cho thấy nhà đầu tư đang rất ưa chuộng mảng tài chính điện tử và sẵn sàng đổ thêm vốn vào đây.
Lợi nhuận và tuổi tác
Thông thường, ngành ngân hàng Nhật Bản bị thống trị bởi những ngân hàng truyền thống, tập trung vào các vùng đô thị. Thế nhưng các ngân hàng số lại đang nhanh chóng phát triển nhờ sự tiện lợi, len lỏi được về cả các vùng quê Nhật Bản.
“Cả thế giới đang dần chuyển sang môi trường số. Khách hàng giờ đây ngày càng ít ra chi nhánh ngân hàng giao dịch. Tương tác điện tử và bảo mật mới là điều quan trọng hiện nay. Bởi vậy tốt hơn hết là trở thành một ngân hàng số thay vì cứ giữ nguyên là một ngân hàng địa phương truyền thống với thị trường đang chết dần”, chuyên gia phân tích Michael Makdad của Morningstar cảnh báo.
Theo Nikkei, lợi nhuận và sự ưa chuộng của giới trẻ đang là 2 yếu tố chính thúc đẩy các ngân hàng số tại Nhật Bản.
Cả 2 ngân hàng SBI Sumishin và Rakuten Bank đều có mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 12% tính đến cuối tháng 3/2022. Hiện không có một ngân hàng tại Nhật Bản nào được mức chỉ số như trên và hầu hết những ngân hàng có chỉ số tốt đều là người mới tham gia thị trường (Orix Bank-8,6%) hoặc cũng hoạt động trong mảng ngân hàng số (Seven Bank-8,7%).
Với 3 ngân hàng truyền thống lớn nhất Nhật Bản, chỉ số ROE của họ chỉ vào khoảng 6%, còn mức bình quân của các ngân hàng địa phương truyền thống là 3-5%.
Theo giáo sư Hironari Nozaki của trường đại học Tokyo, đồng thời cũng là một cựu nhân viên nhà băng, các ngân hàng số có thể giữ được chi phí ở mức thấp do không tốn tiền đầu tư vào các chi nhánh thực, ví dụ như những bàn dài tiếp tân hay đội ngũ trực tổng đài đồ sộ.
Số liệu cho thấy tỷ lệ chi phí hoạt động trên lợi nhuận gộp (OER) của ngân hàng Rakuten Bank chỉ ở mức 48%, với SBI Sumishin là 51% tính đến cuối tháng 6/2022. Con số này là 60% với ngân hàng truyền thống Mizuho, 61% cho Sumitomo Mitsui và 62% cho MUFG. Với các ngân hàng địa phương, con số này có thể lên đến 70-80%.
Ngân hàng số tại Nhật Bản còn nhỏ nhưng tăng trưởng đều bất chấp đại dịch lẫn lạm phát
“Ngân hàng số rõ ràng là dễ kiếm lợi nhuận hơn. Ưu thế này sẽ càng được nới rộng bởi ngày càng ít người ra các chi nhánh để giao dịch mà sẽ thực hiện qua các thiết bị điện tử”, giáo sư Nozaki nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc giới trẻ Nhật Bản ưa chuộng kỹ thuật số cũng là một yếu tố thúc đẩy ngân hàng số. Do các bạn trẻ ngày nay thích đầu tư chứng khoán cùng nhiều kênh khác hơn so với người già nên những ngân hàng số trở thành một lựa chọn được ưa chuộng hơn. Thậm chí việc mở tài khoản ngân hàng cũng trở nên thuận tiện khi chúng thường được đính kèm trên các website giao dịch chứng khoán.
Thậm chí, chuyên gia Makdad cho biết lợi nhuận của các ngân hàng số còn chẳng hề giảm, tăng trưởng bền vững trong thời kỳ đại dịch cũng như khủng hoảng hậu dịch hiện nay.
Thách thức
Tất nhiên, ngành kinh doanh nào cũng có thách thức, nhất là mảng ngân hàng tại Nhật Bản. Ngân hàng trung ương nước này (BoJ) đã cố định mức lãi suất ngắn hạn ở (-0,1%) còn dài hạn là 0% kể từ năm 2016, qua đó khiến các ngân hàng khó kiếm được lợi nhuận hơn.
Thêm vào đó, cấu trúc dân số già khiến việc các ngân hàng số muốn triển khai tại nhiều vùng nông thôn cũng gặp thách thức. Thông thường người lớn tuổi sẽ khó làm quen với công nghệ mới hơn so với giới trẻ, thay vào đó họ cần những tiếp viên hay người hỗ trợ ở các chi nhánh ngân hàng.
Một bằng chứng rất rõ là lượng chi nhánh ngân hàng ở Nhật Bản vẫn không suy giảm nhiều trong suốt 10 năm qua bất chấp sự trỗi dậy của ngân hàng số.
Mặc dù vậy, các ngân hàng Nhật Bản cũng đang chuẩn bị để đối phó với làn sóng kỹ thuật số hiện nay trên thế giới. Vào tháng 6/2022, ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản về tổng tài sản là SMFG đã mua 10% cổ phần của SBI nhằm gia tăng vị thế trong mảng dịch vụ tài chính điện tử.
Ngân hàng lớn thứ 3 Nhật Bản là Mizuho Financial Group cũng đã đầu tư 100 tỷ Yên để phát triển dịch vụ trực tuyến trong khoảng năm 2022-2026, cao gấp 7 lần so với khoản đầu tư vào mảng này trong 5 năm qua.
Lượng chi nhánh ngân hàng truyền thống tại Nhật Bản vẫn rất cao (bình quân trên 1.000 người)
Trong khi đó, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản là MUFG đã quyết định giảm số chi nhánh tại Nhật Bản từ 425 vào tháng 3/2022 xuống còn 320 vào tháng 3/2024. Lượng khách hàng đến các chi nhánh của hãng đã giảm một nửa trong 5 năm qua và ngân hàng này đang cố gắng chuyển đổi kỹ thuật số nhanh nhất có thể.
Sự chuyển biến này là không dễ dàng khi phải sa thải một lượng lớn lao động, vốn đi ngược lại văn hóa trung thành cũng như coi công ty như gia đình tại Nhật Bản. Tuy nhiên khi lợi nhuận hoạt động sụt giảm, xu thế này là điều không thể tránh khỏi.
*Nguồn: Nikkei