Kết thúc phiên giao dịch 31/5, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận những con số kỷ lục về thanh khoản trên cả 3 sàn đẩy VN-Index tăng 7,59 điểm (0,57%) lên 1.328,05 điểm. Trong đó, thanh khoản trên 3 sàn đạt gần 32.000 tỷ đồng; HOSE đạt 25.458 tỷ đồng; HNX là 4.416 tỷ đồng; và UPCOM là 2.164,4 tỷ đồng.
Nhóm tài chính, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng nhỏ là động lực quan trọng giúp các chỉ số tăng mạnh thời gian qua.
Theo thống kê của Nhadautu.vn, Chỉ trong 8 phiên 20-31/5, BVB tăng 77%, VBB tăng 70%, SGB tăng 68%, PGB tăng 55%, NAB tăng 37%, ABB tăng 31%.
Kết quả kinh doanh khả quan trong quý đầu năm là một yếu tố hỗ trợ các cổ phiếu ngân hàng. Cùng với đó là đà tăng nhanh chóng của VN-Index thời gian qua.
Việc các cổ phiếu bluechip ngân hàng tăng mạnh dường như cũng là động lực chính đang đặt ra một mặt bằng giá mới cho cổ phiếu nhóm này nói chung. Cho đến thời điểm hiện tại hầu như tất cả các mã ngân hàng đều đã chạy, đặc biệt ở nhóm ngân hàng nhỏ với mức độ tăng trưởng đáng kinh ngạc từ 30-113%.
Cổ phiếu tăng mạnh đã giúp vốn hoá các ngân hàng tăng không ngừng. Ngoại trừ VCB bỏ khá xa phần còn lại, thì 25 ngân hàng còn lại có thể chia làm 4 nhóm về giá trị vốn hoá, gồm 4 ngân hàng đang ganh đua vị trí thứ 2 là BID, VPB, TCB, CTG có vốn hoá từ 7-7,5 tỷ USD, vượt trội so với nhóm đứng sau với vốn hoá từ 2-4 tỷ USD là HDB, STB, SHB, VIB, ACB, MBB; nhóm có vốn hoá hơn 1 tỷ USD là LPB, MSB, OCB, EIB, TPB, SSB, và nhóm có vốn hoá bé hơn 1 tỷ USD là SGB, PGB, BVB, VBB, NVB, KLB, NAB, BAB.
Không khó để thấy dù đã tăng mạnh thời gian qua, nhưng vốn hoá của một số ngân hàng nhỏ vẫn ở mức rất thấp, như SGB (260 triệu USD), PGB (270 triệu USD), BVB (360 triệu USD), VBB (275 triệu USD).
Vốn hoá còn thấp, cộng với tiềm năng tăng trưởng ngành và kỳ vọng VNIndex tiếp tục tìm các điểm cao mới có thể là lực đẩy giúp sóng cổ phiếu ngân hàng nhỏ còn tiếp diễn.