Người Ấn Độ, dù giàu, trung lưu hay nghèo đều chi tiêu rất nhiều cho đám cưới của họ. Đám cưới ở quốc gia này thường được tổ chức trong nhiều ngày và với vô số khách mời. Nhưng đại dịch đã trở thành một trong những yếu tố gây ảnh hưởng đến thị trường quần áo cưới ước tính 14 tỷ USD của Ấn Độ, với những hạn chế nghiêm ngặt được áp dụng đối với các cuộc tụ tập. Sau khi các hạn chế được dỡ bỏ trên toàn quốc, những đám cưới được tổ chức “bùng nổ” trở lại.
Ravi Modi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành kín tiếng của Vedant Fashion - nhà bán lẻ hàng may mặc dành cho nam giới lớn nhất Ấn Độ đã hưởng lợi từ xu hướng này.
Công ty ghi nhận doanh thu tăng 84% lên 10,4 tỷ rupee (138 triệu USD), với lợi nhuận ròng tăng hơn gấp đôi lên 3,15 tỷ rupee cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2022. Trong ba tháng đầu năm 2022, công ty đã khai trương 17 các cửa hàng, nâng tổng số lên 595 cửa hàng toàn Ấn Độ. Các cửa hàng này có tổng diện tích hơn 102.000 m2 và hiện Vedant Fashion đang có kế hoạch tăng gấp đôi diện tích trong vài năm tới.
Modi, 45 tuổi, niêm yết công ty 23 tuổi của mình vào tháng 2/2022. Cổ phiếu đã tăng 12% kể từ thời điểm đó với vốn hóa thị trường hiện là 3 tỷ USD. Modi có mặt trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes vào tháng 4 năm nay với khối tài sản 2,5 tỷ USD. Con số này đã tăng lên 2,7 tỷ USD bất chấp thị trường chứng khoán giảm và đồng rupee yếu đi.
Ravi Modi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Vedant Fashion. Ảnh: Vedant Fashion
Con đường lập nghiệp của nhà sáng lập: từ 235 USD vay của mẹ
Modi bắt đầu làm việc tại cửa hàng may mặc của cha mình khi còn là một thiếu niên. Năm 22 tuổi, ông quyết định thành lập công ty riêng để sản xuất hàng loạt quần áo truyền thống Ấn Độ với giá cả phải chăng, với số tiền 10.000 rupee (235 USD) vay từ mẹ vào năm 1999.
Modi kết hôn sớm năm 21 tuổi và lên chức bố một năm sau đó, đã đặt tên công ty là Vedant Fashions, theo tên con trai mình và định vị thương hiệu hàng may mặc của mình là Manyavar – tượng trưng cho “sự nổi bật” và “sự tôn trọng” trong tiếng Hindi bản địa của anh.
Trong 20 năm tiếp theo, ông đã xây dựng đế chế thời trang truyền thống của mình trên 223 thành phố ở Ấn Độ và mở rộng ra UAE và Mỹ, với mục tiêu hướng đến cộng đồng người Ấn.
Hiện tại, Manyavar là thương hiệu lớn nhất trong phân khúc quần áo cưới cho nam giới về doanh thu và lợi nhuận. Năm 2015, Modi đi một nước cờ mạo hiểm trong lĩnh vực quần áo nữ với thương hiệu Mohey. Năm 2017, ông mua lại Mebaz, một thương hiệu may mặc truyền thống phổ biến ở các bang Andhra Pradesh và Telangana, miền nam Ấn Độ.
Vedant Fashions không giảm giá và đã thêm nhiều thương hiệu hơn vào danh mục đầu tư của mình: Trong khi Manyavar là thương hiệu giá trung bình, Twamev là dòng cao cấp và Manthan dành cho thị trường đại chúng. Công ty đã thu hút các ngôi sao Bollywood nổi tiếng như Ranveer Singh và Alia Bhatt làm đại sứ thương hiệu.
Công ty luôn theo dõi sát sao lợi nhuận của mình. Con trai của Modi là Vedant, hiện đang làm việc tại công ty với vị trí giám đốc tiếp thị, cho biết trong một cuộc họp hội nghị gần đây với các nhà phân tích: “Chúng tôi có một quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ suất lợi nhuận hàng đầu trong ngành, các chỉ số lợi nhuận và khả năng tạo ra tiền mặt tốt".
Theo công ty phân tích CRISIL của Mumbai, thị trường quần áo truyền thống của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng từ 15% đến 17% trong ba năm tới để chạm mức gần 1,375 tỷ rupee (18,3 tỷ USD) vào năm 2025. Hàng năm, 9,5 triệu đến 10,5 triệu đám cưới được tổ chức tại Ấn Độ với ngân sách hàng ngày trung bình dao động từ 1 triệu rupee (13.000 USD) đến 2 triệu rupee (26.000 USD).
Trong một bản báo cáo hồi tháng 1, Bharat Chhoda, nhà phân tích nghiên cứu tại ICICI Securities cho biết, số lượng đám cưới được tổ chức tăng lên sẽ khiến thị trường mở rộng hơn nữa, giúp khả năng nhượng quyền thương hiệu Vedant trở nên thuận lợi hơn. Và nhờ đó, “vua trang phục cưới" Ấn Độ sẽ lại càng trở nên giàu có hơn.