Từng là quốc gia giàu có nhất khu vực Nam Mỹ, trong vài năm qua, tham nhũng và các chính sách thất bại đã khiến nền kinh tế Venezuela đứng bên bờ vực, cơ sở hạ tầng xuống cấp và hàng triệu người dân lâm vào cảnh nghèo đói.
Từng là quốc gia giàu có nhất ở Nam Mỹ
Trong hầu hết các thập kỷ sau khi Venezuela được điều hành bởi một chính phủ dân chủ từ năm 1958 đến những năm 1980, đất nước này là quốc gia giàu nhất ở Nam Mỹ, theo PRI's The World . Sự giàu có về nguồn tài nguyên đặc biệt là dầu mỏ cùng với nền chính trị ổn định đã giúp kinh tế nước này phát triển vượt bậc.
Việc tăng trưởng liên tục trong thời kỳ này đã thu hút nhiều người nhập cư, lúc đó nước này có tiêu chuẩn sống cao nhất ở châu Mỹ Latinh. Ở những năm sau Thế chiến thứ 2,Venezuela là đất nước giàu có thứ tư trên thế giới tính theo GDP đầu người (cao gấp đôi Chile, gấp bốn lần Nhật Bản và mười hai lần so với Trung Quốc). Cho tới năm 1982, Venezuela vẫn là một trong những nước giàu có nhất khu vực Mỹ Latin.
Venezuela sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú như kim cương, bauxite, vàng, nickel, khí đốt và đặc biệt là dầu mỏ. Chính phủ tận dụng nguồn dầu mỏ dường như vô tận nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân. Giao thông, giáo dục, chăm sóc y tế được chú trọng. Công nhân ở Venezuela được trả lương cao hàng đầu trong khu vực.
"Vàng đen" – con át chủ bài cũng không còn màu nhiệm
Trên thực tế, đất nước Nam Mỹ này có trữ lượng dầu mỏ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Vào giữa những năm 1980, trữ lượng dầu dồi dào nhưng giá dầu rơi tự do cuối cùng đã làm suy yếu nền kinh tế Venezuela, khi họ không có những đầu tư tương xứng để đa dạng hóa ngành công nghiệp năng lượng.
Venezuela rơi vào cuộc khủng hoảng dầu mỏ và doanh thu từ dầu đã giảm đáng kể. Sự sụp đổ của giá dầu thời kỳ này cùng các chính sách kinh tế thất bại đã chấm dứt sự ưu việt về tài chính của nó trong khu vực. Đó là lúc Venezuela bùng nổ đợt lạm phát đầu tiên, đã lên tới đến đỉnh điểm vào năm 1989 (84,5%) và sau đó là năm 1996 (99,9%).
Những thập niên tiếp theo, sản lượng khai thác dầu ngày càng ít đi. Theo Forbes, từ mức 3,5 triệu thùng mỗi ngày trong những năm 1970, đến nay, nước này chỉ sản xuất khoảng 1,5 triệu thùng mỗi ngày. Tính đến năm 2017, sản xuất dầu chiếm khoảng 95% thu nhập xuất khẩu của Venezuela và một nửa doanh thu hàng năm của chính phủ Venezuela.
Cơn khủng hoảng tồi tệ
Những khó khăn mà người dân phải đối mặt bao gồm bất ổn về cả kinh tế và xã hội trong đó có siêu lạm phát, thiếu lương thực và bệnh tật. Trong khi đó, sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đã giảm đáng kể.
Năm 2018, một cuộn giấy vệ sinh có giá 2,6 triệu bolivar, quy đổi theo đô la Mỹ thì chỉ tương đương 40 xu. Các chuyên gia của IMF ước tính, lạm phát ở Venezuela sẽ đạt 10 triệu phần trăm trong năm 2019. Theo IMF, đây được coi là tỷ lệ tồi tệ nhất của bất kỳ nền kinh tế nào kể từ khi Libya rơi vào nội chiến năm 2014.
Một trong những nỗ lực – dường như là vô ích – để đưa người dân thoát khỏi nghèo đói, Tổng thống Maduro thường xuyên phê chuẩn tăng lương tối thiểu cho người dân. Theo Merco Press, tháng 1 năm 2019, ông đã ra lệnh tăng lương từ 4.500 đến 18.000 bolivar mỗi tháng, tăng 300%. Dù vậy, mức lương tối thiểu mới 18.000 bolivar/tháng, tương đương 7 USD theo tỉ giá chợ đen, chỉ đủ để mua 1 kg thịt giăm-bông (theo hãng tin Bloomberg) hoặc 1 thùng trứng và 1 kg thịt bò (theo Reuters). Chỉ trong năm 2018, ông đã tăng lương tối thiểu 6 lần.
Số liệu từ Bloomberg cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của Venezuela sẽ vượt 44% trong năm nay và có khả năng sẽ chạm mốc 50% vào năm tới. Tuy nhiên, quốc gia này đã không công bố con số thất nghiệp chính thức kể từ năm 2016. Thời điểm đó, tỷ lệ thất nghiệp mới chỉ ở con số 7,3%.