Trần Uyên Phương trong buổi ra mắt sách do ForbesBook xuất bản, tại New York.
Năm 2012, công ty Coca-Cola đã đề nghị dùng 2,5 tỷ USD để đổi lấy cổ phần kiểm soát Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Đây là thương vụ M&A lớn chưa từng có trong lịch sử doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm đó và nếu đồng ý, ông Trần Quí Thanh sẽ bước vào câu lạc bộ tỷ phú của Forbes 7 năm trước. Tuy nhiên, ông Thanh đã từ chối thương vụ lịch sử đó.
Trần Uyên Phương giải thích rằng gia đình cô đã đầu tư vào bản thân, công ty và tầm nhìn của chính mình. "Chúng tôi biết chúng tôi không cần sự hỗ trợ của Coca-Cola và chúng tôi không muốn chấp nhận đề nghị", cô nói.
Năm 2011-2012 là giai đoạn đen tối nhất của Coca Cola tại Việt Nam. Thị phần nước giải khát không cồn của công ty này tại Việt Nam từ vị trí thứ 3 có nguy cơ tụt xuống thứ 4, còn Tân Hiệp Phát giữ vị trí thứ 2, chỉ sau Pepsi. Năm 2012, Coca Cola lỗ luỹ kế đến 3.768 tỷ đồng, vượt tổng số vốn đầu tư đến thời điểm đó là 2.950 tỷ đồng.
"Chứng kiến cảnh bố mình từ chối một khoản tiền mà mọi người hầu như sẽ không bao giờ nhìn thấy trong đời, toàn bộ triết lý sống của Phương được thêm khẳng định từ giây phút ấy", Trần Uyên Phương chia sẻ thêm.
Trần Uyên Phương (bên trái) và Trần Ngọc Bích (bên phải) là 2 cánh tay đắc lực của ông Trần Quí Thanh. Ảnh: Trịnh Kim Điền.
Tiết lộ thương vụ bạc tỷ với Coca-Cola chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ những câu chuyện được Trần Uyên Phương ghi lại trong cuốn sách "Competing with Giants" (tạm dịch là Vượt lên người khổng lồ), viết chung với nhà báo Jackie Horne và chuyên gia kinh tế John Kador, do ForbesBook xuất bản. Đây cũng là lần đầu tiên sách của một tác giả Việt Nam được ForbesBook lựa chọn xuất bản.
"Vượt lên người khổng lồ" kể lại câu chuyện đặc biệt của một công ty gia đình Việt Nam – Tân Hiệp Phát, khởi nghiệp từ trong gian khó của thời kỳ hậu chiến và kinh tế bao cấp, đã vượt lên cạnh tranh thành công với các công ty đa quốc gia hùng mạnh.
Là nữ doanh nhân châu Á thế hệ thứ 2, Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã truyền tải lời khuyên kinh doanh từ bố mình, ông Trần Quí Thanh, thông qua góc nhìn của bản thân, để dệt nên một tấm thảm đầy màu sắc. Phương kể câu chuyện về không chỉ một công ty, mà cả về sự thay đổi chóng mặt của bối cảnh kinh doanh toàn cầu. Châu Á đang trỗi dậy, và điều này buộc các tập đoàn đa quốc gia kiểu phương Tây phải tính đến những chiến lược mới.
"Thế giới mà thế hệ tiếp theo được thừa kế sẽ có tính kết nối và tính đa quốc gia nhiều hơn bất cứ thời nào trong lịch sử nhân loại. Chỉ có một điều mà tất cả chúng ta có thể chắc chắn: Thế giới sẽ chính là những gì mà chúng ta chung tay thực hiện", Phương chia sẻ.
Trong cuốn sách được ra mắt tại New York (Mỹ) vào rạng sáng hôm nay (theo giờ Việt Nam), Trần Uyên Phương gửi đi một thông điệp: Phương Đông và phương Tây có thể học hỏi lẫn nhau; các doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình đang phát triển nhanh chóng; phụ nữ châu Á đang tạo nên dấu ấn. Và khi các công ty nhỏ kết hợp kiến thức bản địa của mình cùng với những ý tưởng kinh doanh quốc tế, họ có thể nắm chắc cơ nghiệp của mình và thậm chí còn vượt trội hơn các tập đoàn đa quốc gia vĩ đại.
Đồ họa: Hương Xuân
Cuốn sách của Trần Uyên Phương được Brian Tracy viết lời tựa - ông là một trong những diễn giả nổi tiếng nhất thế giới và là tác giả của nhiều bộ sách kinh điển về kinh doanh. Trong phần giới thiệu về cuốn sách, Brian Tracy viết, ông bị chú ý thực sự bởi cuốn sách. Câu chuyện của gia đình ông Trần Quí Thanh cung cấp những thông tin giá trị về cách các công ty châu Á và cách những người sáng lập suy nghĩ, hành xử, đem đến những bài học hữu ích cho người làm kinh doanh nói chung.
Cách mà hai người con gái (Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích) trở thành cánh tay đắc lực của ông Thanh hay phương châm sống "không gì là không thể" của gia đình này là hai trong nhiều điểm lý thú được doanh nhân Brian Tracy nhấn mạnh.
Cuốn sách, theo Brian Tracy, cho thấy một sự thật về cách các doanh nghiệp nhỏ có thể cạnh tranh hiệu quả với những gã khổng lồ nếu người đứng đầu chuẩn bị để đặt mục tiêu, nắm lấy cơ hội và học hỏi từ thành công cũng như thất bại của họ. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra câu chuyện của gia đình nhà Dr Thanh còn chứa đựng những bài học quan trọng về phương pháp quản lý…
"Ước gì tôi biết Dr. Thanh và gia đình anh ấy khi tôi viết 21 bí mật thành công của các tỷ phú tự lập", ông chia sẻ.
Ông William M. Doheny, nguyên TGĐ Coca-Cola Việt Nam - (một đối thủ lớn của gia đình Trần Uyên Phương trước đây) nhận xét: "Một sự chia sẻ hào phóng những kinh nghiệm và phương thức kinh doanh. Cuốn sách hữu ích cho mọi người, từ các doanh nhân, người khởi nghiệp cho đến các công ty đa quốc gia mong muốn cải thiện thành quả tại các thị trường mới nổi và nhận diện sự thay đổi của toàn cầu hoá".