Khi công nghệ ngày càng phát triển, chip bán dẫn cũng trở nên phổ biến hơn, xuất hiện trong các sản phẩm từ máy tính, xe hơi cho tới bàn chải đánh răng và máy sấy quần áo. Hiện tại, chúng là linh kiện không thể thiếu trong lượng rất lớn các sản phẩm đang sử dụng hàng ngày.
Tuy nhiên, nhu cầu chip lại liên tục vượt quá khả năng cung ứng. Các nhà sản xuất xe hơi giờ đây không còn là “nạn nhân” duy nhất đang cảm thấy hơi nóng phả vào gáy.
Alan Priestley, chuyên gia phân tích tại Gartner, chia sẻ với một người bình thường tình cờ bắt gặp trên phố, anh ấy rất có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu theo một cách nào đó.
“Đó có thể là không mua được sản phẩm mong muốn, hoặc giá sản phẩm yêu thích tăng lên”, Priestley nói.
Ông lớn công nghệ Hàn Quốc Samsung tuần trước cho biết tình trạng thiếu hụt chip đã và đang ảnh hưởng tới lĩnh vực sản xuất TV và các thiết bị gia dụng, trong khi LG cũng thừa nhận rằng tình trạng này thực sự là nguy cơ lớn.
“Với việc thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn, chúng tôi đang phải hứng chịu một số tác động, đặc biệt là đối với khả năng sản xuất một số bộ sản phẩm nhất định và màn hình”, theo Ben Suh, giám đốc quan hệ đầu tư của Samsung.
“Chúng tôi đang thảo luận với các nhà bán lẻ, kênh phân phối chính về kế hoạch cung ứng để có thể tập trung phục vụ sản xuất những sản phẩm quan trọng hoặc có mức độ ưu tiên cao hơn”.
Thế hệ chip The Epyc thứ hai do AMD sản xuất trong sự kiện ra mắt hôm 7/8/2019. Ảnh: Getty Images.
Giám đốc điều hành kiêm giám đốc mảng di động của Samsung Koh Dong-jin chia sẻ trong cuộc họp cổ đông hồi tháng 3 rằng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đang tồn tại một sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa hai cực cung và cầu chip bán dẫn. Ở thời điểm đó, công ty cho biết họ có thể sẽ phải tạm hoãn kế hoạch cho ra mắt dòng Galaxy Note mới.
Phía LG thông báo “công ty này đang nỗ lực kiểm soát tình hình khi không một nhà sản xuất nào có thể tránh khỏi những ảnh hưởng nếu như tình trạng thiếu hụt chip kéo dài”, theo Financial Times.
Sản phẩm gia dụng hàng ngày cũng đối mặt rủi ro
Công tác sản xuất các chip lợi nhuận thấp, ví dụ như chip phục vụ cân đồ trong máy giặt hoặc chip nướng bánh trong máy nướng bánh mỳ thông mình, cũng bị ảnh hưởng. Trong khi phần lớn các đơn vị bán lẻ vẫn rất dễ dàng có thể tiếp cận những sản phẩm như trên ở thời điểm hiện tại, họ có thể phải đối mặt với vấn đề về khan hiếm nguồn cung trong vài tháng tới.
Ngay cả lĩnh vực sản xuất buồng tắm cho chó cũng bị ảnh hưởng, theo The Washington Post. CCSI, công ty chuyển sản xuất buồng tắm điện tử cho chó tại bang Illinois, gần đây được đơn vị cung ứng chip thông báo những dòng chip họ thường sử dụng hiện tại không có sẵn.
Công ty này đã được đề nghị sử dụng một dòng chip khác, nhưng điều đó buộc họ phải tinh chỉnh các sản phẩm bo mạch, khiến chi phí sản xuất tăng cao hơn.
“Tình trạng này ảnh hưởng tới tất cả các mặt của lĩnh vực sản xuất, từ những cá nhân cho tới các tập đoàn lớn”, theo Russell Caldwell, chủ tịch của CCSI International.
Nhiều công ty, đăc biệt là tại Trung Quốc vốn bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận, đang gia tăng khả năng dự trữ các dòng chip có nhu cầu cao nhằm có thể vượt quá được “cơn bão” này, nhưng điều đó chỉ khiến cho khả năng tiếp cận các sản phẩm chip của nhiều doanh nghiệp khác trở nên khó khăn hơn.
Lĩnh vực sản xuất xe hơi là nạn nhân lớn nhất
Sản xuất xe hơi, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các dòng chip sử dụng trong các hệ thống quản lý động cơ và hỗ trợ lái, đang là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các công ty như Ford, Volkswagen và Jaguar Land Rover đang phải cho đóng cửa nhiều nhà máy, giảm bớt người lao động và cắt giảm sản xuất.
Stellantis, nhà sản xuất xe hơi lớn thứ 4 thế giới, cho biết rằng tình trạng thiếu hụt chip thậm chí còn diễn biến tệ hơn trong quý đầu tiên của năm 2021. Richard Palmer, giám đốc tài chính của công ty, đã đưa ra cảnh báo rằng sự gián đoạn này có thể kéo dài tới năm 2022.
Một vài nhà sản xuất xe hơi đang phải cắt bỏ đi những tính năng hiện đại trang bị trên xe khi họ không có đủ số lượng chip cần thiết, theo báo cáo của Bloomberg.
|
Sản xuất xe hơi, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các dòng chip sử dụng trong các hệ thống quản lý động cơ và hỗ trợ lái, đang là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ảnh: AP. |
Nissan cho biết họ sẽ cắt giảm tính năng định vị, trong khi Ram Trucks đang lên kế hoach loại bỏ tính năng cảnh báo điểm mù trên khoảng 1.500 xe bán tải.
“Ram cũng loại bỏ tính năng này trên các dòng xe Tradesman, Bighorn, Rebel và Laramie vì thiếu linh kiện cần thiết”, người phát ngôn của công ty chia sẻ với CNBC. Công ty sẽ quay trở lại cung cấp các tính năng này vào cuối năm nay.
Renaul cũng dừng trang bị những màn hình cỡ lớn sau vô lăng trên một vài dòng xe nhất định.
Các công ty cho thuê xe cũng đang dần cảm thấy “hơi nóng” khi không thể mua được những sản phẩm xe mới họ mong muốn, theo Bloomberg. Hertz và Enterprise, hai công ty kinh doanh theo hình thức mua xe với số lượng lớn và sau đó cho thuê lại, cho biết họ phải chuyển hướng sang mua những chiếc xe hơi cũ thông qua hình thức đấu giá.
“Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu đã ảnh hưởng tới khả năng nhận được các sản phẩm xe hơi đời mới của toàn bộ lĩnh vực cho thuê xe”, theo người phát ngôn của Hertz.
Hertz cho biết công ty đang phải bổ sung đội xe của mình thông qua việc mua lại những chiếc xe cũ chạy được ít km từ các phiên đấu giá hoặc đại lý chính hãng.
Người phát ngôn của Enterprise lại cho biết tình trạng thiếu chip “đã ảnh hưởng tới nguồn cung cũng như quá trình giao hàng của các phương tiện mới, trong bối cảnh nhu cầu của thị trường tăng cao”.
Vấn đề phức tạp
TSMC- nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới - cho biết công ty này có thể đáp ứng đủ nhu cầu chip của ngành công nghiệp sản xuất xe hơi trong tháng 6 tới.
Nhưng Patrick Armstrong, CIO của Plurimi Investment Managers, chia sẻ mục tiêu đó có phần quá tham vọng.
“Nếu như bạn lắng nghe quan điểm từ phía Ford, BMW, Volkswagen, họ đều nhấn mạnh rằng có một điểm nghẽn trong khả năng sản xuất và họ không thể có đủ chip để sản xuất các sản phẩm mới”. Ông cho biết tình trạng này có thể sẽ kéo dài tới 18 tháng.
“Tình hình hiện tại là điều mà tôi chưa từng thấy trước đó”, Reinhard Ploss nói. "Chắc chắn chúng ta phải cần thời gian” cho tới khi cung và cầu trở lại trạng thái cân bằng. “Tôi cho rằng 2 năm là quá dài nhưng ít nhất chúng ta sẽ thấy được trạng thái cân bằng đó vào năm 2022”.
Chip được gắn trên bo mạch chủ của máy tính. Ảnh: Getty Images. |
Quá trình tăng công suất sản xuất chắc chắn không thể diễn ra trong một sớm một chiều.
“Bạn không thể bất ngờ tới gặp một nhà phân phối chip và nói rằng 'hãy cho tôi một triệu con chip mới' nếu như bạn không gửi đơn đặt hàng trước đó, vì đó không phải là một quy trình 'mỳ ăn liền'”, theo Priestley. “Nếu như bạn tiến hành đặt hàng hôm nay, và công suất sản xuất của họ vẫn còn, phải mất 3 tháng bạn mới có được thứ bạn muốn”.
Ông cũng bổ sung rằng phần lớn các sản phẩm tiêu dùng đã mở rộng các chuỗi cung ứng, và “chúng tôi vẫn chưa nhận thấy những tác động rõ nét” của tình trạng thiếu hụt chip lên một số lĩnh vực. “Nếu như Apple muốn cho ra mắt một sản phẩm điện thoại mới hôm nay, họ phải đợi tới cuối năm mới có thể có hàng để tung ra thị trường”.
Trong khi đó, vấn đề trong lĩnh vực sản xuất xe hơi lại phức tạp hơn rất nhiều vì họ thường không sử dụng những con chip hiện đại nhất, theo Priestley.
“Họ có xu hướng sử dụng các con chip được sản xuất thông qua một quy trình cũ hơn, và các công ty sản xuất chịp lại đang hướng tới việc sản xuất ra những sản phẩm tân tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao, do đó, họ ít đầu tư hơn vào những dây chuyển sản xuất cũ”, ông cho biết.
Chủ quyền công nghệ
Các quốc gia buộc phải tìm cách để có thể tăng sản lượng chip họ có thể sản xuất. Phần lớn chip được sử dụng trên toàn thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, và Mỹ là quốc gia sản xuất lớn thứ hai.
Ủy ban châu Âu cho biết họ muốn tăng cường năng lực sản xuất chip tại châu Âu, và coi đó là một phần của nỗ lực gia tăng khả năng tự chủ đối với các công nghệ quan trọng.
Châu Âu hiện chỉ chiếm 10% thị phần sản xuất chip toàn cầu, cho dù con số này đã cao hơn 6% so với 5 năm trước đó. Họ đặt ra mục tiêu 20% thị phần và đang dự định đầu tư 20 - 30 tỷ euro nhằm hiện thực hóa mục tiêu đó.
Intel cũng đã đưa ra lời đề nghị giúp sức nhưng công ty này cho biết họ muốn nhận được khoảng 8 tỷ euro tiền trợ cấp để xây dựng một nhà máy sản xuất chip bán đẫn tại châu Âu.
Pat Gelsinger, CEO của Intel, có cuộc gặp với 2 ủy viên Ủy ban châu Âu tại Brussels, trong đó có sự hiện diên của Thierry Breton, vài ngày sau khi ông có cuộc gặp mặt trực tiếp với các bộ trưởng chính phủ Đức.
“Điều mà chúng tôi mong muốn nhận được từ chính phủ Mỹ và các quốc gia châu Âu đó chính là việc tạo điều kiện cho chúng tôi hoạt động cạnh tranh ở đây hơn so với ở châu Á”, Gelsinger chia sẻ trong một bài phỏng vấn.
Intel cũng thông báo trong tháng 3 rằng công ty này có ý định đầu tư 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy sản xuất chip mới tại bang Arizona.
“Sẽ mất khoảng từ 2 tới 3 năm trước khi chúng ta nhìn thấy những kế hoạch tham vọng đó trở thành hiện thực, theo Priestly. “Nhưng cũng sẽ chỉ giúp đáp ứng được nhu cầu trong tương lai mà thôi”.