Từ nhà kho rộng gần 11.000 m2 thuộc quyền quản lý của công ty vận tải Sarcona Management, người quan sát sẽ có phần bị choáng ngợp bởi những “núi” container trong khu vực cảng New York và New Jersey.
Cơ sở này là một trong hệ thống 8 nhà kho đang được vận hành bởi Sarcona có vị trí nằm ngay cạnh cảng, với tổng sức chứa lên tới gần 200.000 m2. Thế nhưng, như vậy vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu ở thời điểm hiện tại. Michael Sarcona, chủ tịch của công ty, có riêng một đội ngũ nhân viên cũng như chuyên viên bất động sản, đang tích cực “lùng sục” những địa điểm tiềm năng mới.
Nhu cầu hàng hóa tiêu dùng bật tăng trở lại sau đại dịch là nguyên nhân chính khiến cho lưu lượng hàng hóa nhập khẩu thông qua các cảng biển trên cả hai bờ Đông - Tây Mỹ liên tục lập những kỷ lục mới, tạo áp lực lớn lên từng mắt xích trong chuỗi cung ứng.
“Nhu cầu về không gian kho cũng như nhân lực vận hành đang ở mức cao chưa từng thấy”, ông chia sẻ. Ông nhận được không ít cuộc gọi từ các khách hàng mới nhưng đã phải từ chối để ưu tiên các khách hàng hiện hữu. Kim ngạch nhập khẩu tại cảng New York and New Jersey - cảng biển lớn thứ 3 tại Mỹ, tăng 26,4% tình đến cuối tháng 8 so với cùng kỳ năm trước đó.
Các công ty Mỹ đang tìm kiếm thêm nhà kho trong bối cảnh nhu cầu lưu trữ tăng mạnh. Ảnh: Bloomberg.
Các nhà kho, đích đến của nhiều container sau khi được bốc dỡ trước khi được vận chuyển đi khắp Mỹ, đang khá chật vật để đáp ứng nhu cầu: tỷ lệ kho trống trung bình trên toàn quốc xuống thấp kỷ lục 3,6% trong quý III, theo CBRE. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều tại các khu vực gần cảng biển. Ví dụ, tỷ lệ kho trống tại khu vực lân cận cảng New Jersey chỉ là 1,5%.
Một lĩnh vực chưa được đầu tư xứng đáng giờ đây đang phải đối mặt với một làn sóng gia tăng nhu cầu hàng hóa mạnh mẽ. Các công ty vận hành kho vận cho biết họ phải đối mặt với sự thiếu hụt gần như mọi mắt xích cần thiết để có thể hoạt động hiệu quả từ máy ép cho tới xe nâng, vốn cũng đang bị chậm giao hàng.
Và cũng giống như nhiều ngành công nghiệp khác, tình trạng thiếu hụt lao động lại càng khiến cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Theo Cục thống kê lao động Mỹ, số lượng công nhân kho vận chỉ tăng 3% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9. Con số này là không đủ để đáp ứng nhu cầu xử lý hàng hóa tăng cao chảy vào chuỗi cung ứng.
Tình trạng thiếu hụt không gian lưu trữ cũng khiến cho giá thuê kho vận tăng lên nhanh chóng. CBRE cho biết giá thuê kho đã tăng 10,4% trong quý III, so với cùng kỳ năm 2020.
Trong quá khứ, việc các nhà kho vừa mới xây xong phải nằm yên trong nhiều tháng là điều tương đối bình thường, nhưng hiện tại, nhu cầu cao tới nỗi khách hàng đã đặt chỗ trước cho các nhà kho chưa hoàn thiện. Prologis, một đơn vị vận hành kho vận, cho biết rằng có tới 70% công suất lưu trữ đang được xây dựng tại Mỹ của công ty này đã được “thuê trước”.
“Mọi người có đôi chút hoảng loạn”, theo Hamid Moghadam, giám đốc điều hành của Prologis.
Nhiều công ty có đủ nguồn lực thậm chí chi tiền mua lại các nhà kho khác nhằm đảm bảo họ không phải cảnh tranh với bất kỳ đối thủ nào. Theo CoStar Group, 25 nhà bán lẻ lớn nhất Mỹ đã mua lại hơn 35 triệu m2 diện tích lưu trữ trong năm 2020, cao gấp hơn 2 lần so với năm 2019.
Các chủ nhà kho cũng đang đẩy mạnh kế hoạch xây dựng mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. CBRE cho biết có khoảng hơn 40 triệu m2 diện tích kho bãi đang được xây dựng trong quý III năm nay.
Sean Henry, giám đốc điều hành của công ty vận tải Stord, cho biết nhiều khách hàng sẵn sàng ký hợp đồng hợp tác lâu dài thay vì chỉ thuê trong ngắn hạn như trước đây.
Với quá ít các địa điểm còn trống gần các cảng biển, một số nhà bán lẻ và các doanh nghiệp vận tải thậm chí còn đang tìm kiếm các địa điểm nằm sâu trong đất liền. Henry chia sẻ rằng ông đang thuyết phục một số khách hàng chuyển hàng hóa từ khu vực lân cận cảng Los Angeles và Long Beach sang các bang khác như Utah và Nevada, nơi Stord đã bổ sung thêm hàng trăm ngàn m2 kho mới.
Giá thuê các nhà kho này sẽ rẻ hơn từ 25% đến 30% nhưng chi phí vận chuyển hàng hóa tới các địa điểm xa hơn do đó cũng sẽ tăng cao hơn, Henry cho biết.
Đối với Moghadam tới từ Prologis, việc giảm tải dòng hàng hóa tới các địa điểm xa hơn không giúp giải quyết được cốt lõi vấn đề.
“Việc gia tăng công suất tại các địa điểm nằm sâu trong đất liền là điều tương đối dễ dàng. Nhưng tại San Francisco và New York hoặc Chicago, làm sao chúng ta có thể làm điều tương tự?”, ông chia sẻ trong một sự kiện gần đây.
“Vấn đề này sẽ tồn tại trong một khoảng thời gian dài nữa và sẽ chưa thể dịu xuống cho tới giữa hoặc cuối năm 2023”, theo Moghadam.
“Tôi cho rằng, tình hình thậm chí sẽ diễn biến xấu hơn”, ông cảnh báo khi nói về sự thay đổi thói quen tiêu dùng khi tình trạng giao chậm giao hàng diễn ra phổ biến.