Nguồn cung thiếu hụt, giá phi mã
Tháng 2/2019, dịch tả lợn châu Phi phủ bóng đen xuống ngành chăn nuôi lợn, lần đầu tiên phải đối phó với một dịch bệnh mới, chưa có vaccine, không có thuốc điều trị đặc hiệu trong bối cảnh chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số, sự tổn thất đến ngành hàng vô cùng quan trọng này là khó đong đếm.
Đã có trên 5,9 triệu con lợn bị tiêu hủy, với tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn, chiếm 9% tổng đàn; sản lượng thịt lợn trong năm 2019 chỉ đạt 3,3 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2018.
TS.Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phát biểu tại hội thảo.
Thiếu hụt nguồn cung đã dẫn tới sự tăng giá mạnh mẽ. Nếu không có dịch tả lợn châu Phi, dự báo giá lợn cổng trại trong năm 2020 ở mức 46.000 đồng/kg heo hơi; tuy nhiên dịch bệnh đã khiến giá lợn cổng trại bình quân năm 2019 tăng 22%.
Nhập khẩu thịt lợn cũng tăng mạnh trong ngắn hạn để phần nào bù đắp lượng thiếu hụt. "Trong năm 2019, nhập khẩu thịt lợn đã tăng tới 30% so với năm 2018" - TS.Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nói.
Sự thiếu hụt về nguồn cung, tăng giá của sản phẩm chính là các yếu tố gây suy giảm tiêu dùng thịt lợn trong nước. Tiêu dùng thịt lợn nội địa giảm 14,6%.
Hiện, giá heo hơi đã bắt đầu hạ nhiệt, trong khi giá con giống khá cao, khiến việc tái đàn của các nông hộ gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NNPTNT TP.Hà Nội) cho biết, hiện, việc tái đàn trên địa bàn chủ yếu ở các trang trại lớn, đảm bảo an toàn sinh học, nông hộ nhỏ vẫn chưa dám tái đàn.
Từ thực tế này, có thể thấy, chăn nuôi nông hộ dường như đang vô cùng khó khăn khi tìm kiếm cơ hội trong ngành chăn nuôi. "Chỉ cần một cơn bão như dịch tả lợn châu Phi cũng sẽ khiến những hộ chăn nuôi nhỏ giảm đi đáng kể" - ông Thắng nêu một thực tế.
Chưa hết dịch bệnh, lại lo cạnh tranh
Theo báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, từ năm 2019, sức ép từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA ngày càng lớn.
Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng công nghệ chế biến hiện đại. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến thịt mát của Masan.
Cụ thể, với EVFTA, thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh từ 22,5% sẽ về 0% sau 7 năm; thuế nhập khẩu lợn tươi sống từ 37,5% sẽ về 0% sau 9 năm.
Với CPTPP, thuế nhập khẩu thịt tươi hoặc ướp lạnh là 27%, xóa bỏ sau 10 năm; đối với thịt đông lạnh, thuế suất 15%, xóa bỏ thuế sau 8 năm.
Trong khi đó, giá bán lẻ của Việt Nam cao hơn từ 20 - 25% so với giá đông lạnh nhập khẩu. Giá cổng trại cao hơn từ 40 - 60% so với giá cổng trại của các nước phát triển.
Hiện, xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam còn hạn chế, theo thống kê, năm 2018, xuất khẩu thịt lợn của thế giới đạt 28,46 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 44,866 triệu USD.
Với một ngành hàng xếp thứ 5 về sản xuất thịt lợn với sản lượng đạt 2,8 triệu tấn quy thịt, sau Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Brazil, Nga; xếp thứ 8 về tiêu dùng thịt lợn, lượng tiêu thụ đạt 2,7 triệu tấn quy thịt thì con số xuất khẩu như vậy còn rất khiêm tốn.
Từ thực tế này, ông Trần Công Thắng cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ hình thành các hợp tác xã và tăng liên kết với doanh nghiệp; tăng đầu tư vào vùng chuyên canh nguyên liệu, kết nối với hộ sản xuất.
Các thiện giống, kỹ thuật chăn nuôi để tăng năng suất, giảm giá thành; tập trung nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm.
Đối với người nông dân, cần liên kết để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ động nắm bắt thông tin thị trường.
Ngành chức năng cập nhật tốt các thông tin về quy định SPS, TBT của các nước và xây dựng các tiêu chuẩn trong nước hài hòa với thông lệ quốc tế để kiểm soát chất lượng nhập khẩu.