Những nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm lựa chọn và nắm giữ nhiều cổ phiếu đầu cơ đang sống dưới những "cơn mưa tiền" của thị trường. Phiên ngày 12/11, 203 mã cổ phiếu tăng trần trên thị trường, phần nhiều trong số đó là những cổ phiếu đầu cơ, thị giá nhỏ, thậm chí doanh nghiệp thua lỗ lớn. Đây là những dòng cổ phiếu mà các nhà đầu cơ khi mua lướt sóng kiếm lời mà ít quan tâm đến tình hình và giá trị của doanh nghiệp.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã nói rất rõ về khái niệm đầu cơ hay đầu tư: "Cách thực sự đơn giản phân biệt giữa đầu tư và đầu cơ là kiểm tra xem bạn có quan tâm ngày mai thị trường có mở cửa hay không. Khi tôi mua một cổ phiếu, tôi sẽ không bận tâm đến chuyện họ có đóng cửa thị trường chứng khoán trong một vài năm nữa hay không. Tôi quan tâm đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, quan tâm đến việc liệu doanh nghiệp ấy có mang lại lợi suất cho mình trong tương lai hay không. Nếu quan tâm đến thị trường, tôi sẽ là người đầu cơ vì tôi quan tâm đến việc giá lên hay xuống trong phiên ngày mai. Thực sự thì bạn không thể biết chính xác giá có tăng hay không".
Doanh nghiệp càng lỗ, cổ phiếu càng tăng mạnh
Một công ty có đà tăng cổ phiếu khó hiểu đi ngược lại với tình hình kinh doanh lỗ đậm liên tiếp của doanh nghiệp. Đà tăng giá của cổ phiếu "trend lỗ" làm nản lòng các cổ phiếu cơ bản, doanh nghiệp làm ăn tốt, lãi lớn.
Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O (mã CEO) "tím" liên tiếp 5 phiên liền, thị giá tăng chóng mặt hơn 50%, tức từ 12.500 đồng lên mức 19.900 đồng/cổ phiếu trong vòng một tuần. Cứ ngỡ doanh nghiệp có đột biến trong kinh doanh dẫn đến cổ phiếu tăng nóng. Song, công ty này đã có 3 quý lỗ liên tiếp, quý 1 lỗ 38 tỷ đồng, quý 2 lỗ 126 tỷ đồng, quý 3 lỗ 58 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu CEO đạt 406 tỷ đồng, giảm 40,5%. Khấu trừ chi phí, CEO lỗ sau thuế 224 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng gấp đôi con số lỗ cùng kỳ năm ngoái. Liên tục thua lỗ, dòng tiền kinh doanh của CEO đã âm gần 144 tỷ đồng.
Năm 2021, CEO đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 80 tỷ đồng. Với đà này, CEO rất khó có thể đạt được kế hoạch kinh doanh đưa ra hồi đầu năm 2021.
CEO có 3 quý lỗ liên tiếp
Cổ phiếu của "ông trùm" BOT thua lỗ triền miên tăng liên tục cũng thách thức mọi phân tích cơ bản của chứng khoán. Công ty Cổ phần Tasco (mã HUT) có kết quả kinh doanh bết bát, liên tục thua lỗ, cụ thể quý 3 công ty lỗ 72 tỷ đồng, quý 2 lỗ 49 tỷ đồng, quý 1 lỗ 24 tỷ đồng. HUT đã có 7 quý liên tiếp lỗ lớn, quý 4/2020 công ty lỗ tới 153 ỷ đồng, quý 3/2020 lỗ 80 tỷ đồng, quý 2/2020 lỗ 12 tỷ đồng. Song, cổ phiếu HUT vẫn tăng giá từ 4.200 đồng đầu năm 2021 lên mức 14.200 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên 12/11, tương ứng tăng tăng gấp 3,2 lần.
HUT lỗ liên tiếp 7 quý
Một số khác, kinh doanh không có nhiều đột phá, nhưng cổ phiếu vẫn tăng rất mạnh nhờ những kỳ vọng vào đầu tư công, quỹ đất sẽ "hái ra tiền" ở tương lai.
Kỳ vọng đầu tư công, cổ phiếu CII của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp. HCM đã có đà tăng nóng kể từ đầu tháng 11, từ 22.450 đồng lên mức gần 30.000 đồng/cổ phiếu, tăng. gần 32%. Tuy nhiên, giữa kỳ vọng đầu tư công và việc mang tiền về cho doanh nghiệp vẫn còn rất xa vời.
Quý 3/2021, doanh thu của CII giảm 86% xuống 261 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 11 tỷ đồng, trong khi lãi công ty mẹ chỉ còn 2 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, CII đạt 2.256 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 24% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 126 tỷ đồng, tương ứng giảm 73% so với 9 tháng đầu năm ngoái, trong đó lãi ròng công ty mẹ là hơn 34 tỷ đồng tương đương EPS đạt 136 đồng.
Được biết, CII đặt kế hoạch năm 2021 đạt tổng doanh thu 6.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 615 tỷ đồng. Như vậy kết thúc quý 3, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành được 2-% kế hoạch lợi nhuận năm.
Rất nhiều cổ phiếu khác cũng có mức tăng mạnh. dù kết quả kinh doanh không có đột phá, thậm chí thua lỗ như HNG, HAG, DLG, CIG, ITA,… Thậm chí cổ phiếu VMD có Chủ tịch Hội đồng quản trị vừa bị bắt cũng bật tăng trần.
Phiên 12/11, tổng hợp 3 sàn chứng khoán có tới 203 cổ phiếu tăng trần, trong đó sàn UpCoM góp 127 cổ phiếu, HNX góp 33 cổ phiếu, HOSE góp 43 cổ phiếu. Phần lớn là các cổ phiếu có thị giá nhỏ, thuộc dòng cổ phiếu "đầu cơ", chất lượng doanh nghiệp thấp.
Bên cạnh các cổ phiếu đầu cơ, dòng cổ phiếu cổ phiếu bất động sản có đà tăng giá mạnh bùng nổ trong thời gian gần đây như DIG, IDJ,…. Tăng trần nhiều phiên liên tiếp, DIG đã tăng gần 3 lần chỉ từ đầu tháng 8 trở lại đây với những phiên tăng trần liên tiếp. Chốt phiên giao dịch ngày 12/11, DIG tăng trần lên 70.900 đồng/cổ phiếu. Với quỹ đất 8.000ha trải dài cả nước, cổ đông DIG kỳ vọng vào quỹ đất này sẽ hái ra tiền cho cổ đông. Tuy nhiên, quỹ đất này không phải bây giờ DIG mới có, việc khai thác cũng phải ngay lập tức. Thực tế, nhiều năm qua, DIG phải chật vật để khai thác quỹ đất này. Cổ phiếu đạt đỉnh, bà Lê Thị Hà Thành, vợ ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị DIG đăng ký bán 1,6 triệu cổ phiếu DIG nhằm cơ cấu danh mục cá nhân. Giao dịch được thực hiện từ ngày 18/11 đến ngày 17/12 theo hình thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.
"Tài khoản mình 2 mã tăng trần ngay phiên thứ 6 cuối tuần, vì nắm giữ số lượng lớn nên lãi tăng cả tỷ đồng nhưng cứ tưởng tài khoản mình tăng nhiều rồi, vậy gặp một ông anh đồng nghiệp, tài khoản anh nắm 10 mã thì tăng trần 8 mã, tài khoản tăng khủng khiếp hơn. Đầu cơ hay đầu tư với không quan trọng lắm, quan trọng nhất là cổ phiếu mua tăng giá và cho lợi nhuận tốt với mình", một người thắng lớn nhờ nắm nhiều cổ phiếu đầu cơ cho hay.
Nhìn lại bối cảnh đại dịch, mọi hoạt động kinh doanh đều bế tắc, trên cùng số vốn bỏ ra, ít ngành kinh doanh nào có mức lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi tuần như đầu cơ chứng khoán.
Dung Kim, một nhà đầu tư theo phương pháp phân tích cơ bản chia sẻ: "Sự tăng giá của cổ phiếu đầu cơ làm nản lòng những nhà đầu tư phân tích cơ bản như mình. Nhiều khi không muốn làm cổ đông chân chính nữa".
Mọi con sóng đầu cơ đều kết thúc trước bình minh
Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Vũ - bút danh của một nhà đầu tư thành công trên thị trường đã có chia sẻ về làn sóng đầu cơ cổ phiếu đang diễn ra rất nóng hiện nay. Ông là một nhà đầu tư "cá kiếm" rất tốt trong con sóng hiện tại theo phân tích cơ bản và dòng tiền nhưng muốn ẩn danh.
Theo quan điểm của ông, chẳng thể có doanh nghiệp nào mà tốc độ tăng trưởng phi mã mà giá cổ phiếu có thể tăng 5-10 lần trong một thời gian quá ngắn. Đầu tư công hưởng lợi nhưng có những dự án 5-10 năm mới hạch toán, vậy 1-2 năm tới lợi nhuận ở đâu để chạy theo đà tăng nóng của cổ phiếu.
"Nhiều nhà đầu tư mới lại lao vào như chưa từng được mua! Hứng khởi đến mức chỉ mong thứ 2 trời lại sáng để được đua lệnh trong khi nếu đọc báo cáo tài chính thì giá này đã siêu đắt, chạy trước kết quả kinh doanh hàng chục năm.
Bản chất của con người là lòng tham vô đáy và đó là điểm yếu cũng như tử huyệt cảm xúc mà cá mập nắm được. Tôi thấy sợ khi nhiều doanh nghiệp lỗ mà nhiều bạn vẫn đua trần. Tất nhiên nếu bạn chấp nhận được hậu quả xấu nhất là cháy tài khoản vì những hàng đầu cơ đó thì cũng hãy coi đó là trải nghiệm và đừng đổ lỗi tại vì ai đó mà bạn mua theo! Trên thị trường này mọi tư vấn chỉ mang tính chất tham khảo và bạn là người quyết định", ông Vũ nói.
Vị này phân tích, mọi con sóng ngành nếu tăng một cách quá mạnh thì sẽ có những cú chỉnh mạnh mà bạn sẽ không chạy kịp!
"Nhìn thấy đồng hồ chỉ vào một số mã đã tăng quá nóng nhưng tiếc là không thể ngăn nhiều nhà đầu tư mới đi tiếp vào vạc dầu đã được đun sôi! Từ giờ đến tháng 12 có thể VN-Index vẫn uptrend nhưng sẽ có những cổ phiếu khiến nhiều bạn bạc tóc chỉ sau một vài đêm. Mọi con sóng đầu cơ đều sẽ kết thúc trước bình minh nên hãy tham vừa đủ", ông Vũ nhấn mạnh một số dòng cổ phiếu rất tốt giá trị - dòng tiền thật và tăng trưởng bất chấp khủng hoảng nhưng dòng tiền vẫn hờ hững chính là lúc cơ hội mua vào tốt nhất.