Phân bón giả làm khổ nông dân
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), bình quân mỗi năm phát hiện, xử lý trên 3.000 vụ phân bón giả kém chất lượng. Hằng năm Cục đã kiểm tra hàng ngàn hộ kinh doanh phân bón, với hàng trăm hộ vi phạm. Kiểm nghiệm hàng ngàn mẫu phân bón, khoảng 31% mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Những con số thống kê này đã phản ánh một con số đau lòng: 1/3 phân bón nông dân tiêu dùng hằng năm là phân giả, kém chất lượng.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm bà con nông dân tiêu thụ trên 10 triệu tấn phân bón từ hơn 1.000 cơ sở sản xuất, trong đó chiếm tới 30-50% là phân bón giả, phân bón nhái, kém chất lượng.
Lực lượng Quản lý thị trường Quảng Bình kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón. (ảnh internet)
Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã phát hiện rất nhiều cửa hàng kinh doanh phân bón kém chất lượng. Nhiều sản phẩm phân bón chất lượng chỉ dưới 70% so với công bố.
Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra và xử phạt số tiền hơn 22 triệu đồng đối với cửa hàng vật tư nông nghiệp Quý Thành tại huyện Định Quán do kinh doanh phân bón có chất lượng đạt dưới 70% so với hồ sơ công bố (phân bón Nguyên Ngọc S.A), do Công ty TNHH Nguyên Ngọc phân phối, sản xuất ngày 20/2/2019.
Tại cửa hàng vật tư nông nghiệp Thu Hiền, lực lượng chức năng phát hiện Phân bón cao cấp FACOTH siêu đậu trái xoài do Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Định phân phối, sản xuất ngày 19/3/2018, dù ghi rõ phân bón "cao cấp" nhưng chất lượng chỉ đạt dưới 70% so với hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm. Theo đó, cơ sở Thu Hiền bị phạt số tiền 6,9 triệu đồng.
Còn tại huyện Cẩm Mỹ, cơ quan chức năng phát hiện tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Phạm Ngọc Nhuận đang kinh doanh Phân bón cao cấp Faco -K do Công ty BenFaco Việt Nam co, LTD sản xuất ngày 21/2/2018 có chất lượng chỉ dưới 70% so với hồ sơ công bố. Với hành vi kinh doanh "phân bón cao cấp" nhưng kém chất lượng của Cửa hàng vật tư nông nghiệp Phạm Ngọc Nhuận, cơ quan chức năng đã xử phạt 1,65 triệu đồng...
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các đối tượng sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đã "đánh" vào tâm lý hám lợi của các đại lý phân phối nhỏ và nông dân, nhất là những nông dân ở vùng sâu, xa, do thiếu kiến thức về sử dụng và nhận biết phân bón thật - giả. Đây thực sự là “mảnh đất” để những đối tượng kinh doanh phân bón giả, nhái, kém chất lượng hoành hành.
Nông dân sử dụng nhầm phân bón kém chất lượng có khi mất trắng cả một mùa vụ. Hậu quả còn nghiêm trọng hơn là đất đai hoang hóa, làm giảm chất lượng, sụt giảm năng suất, giảm giá trị sản phẩm nông sản, gây thiệt hại cho nền kinh tế nông nghiệp.
Có thể phạt tới 200 triệu đồng
Tại Dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón đang được Bộ NNPTNT lấy ý kiến, có đề nghị sẽ phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán phân bón theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt năm 2018 trong quá trình hoạt động; xếp đặt chung, để lẫn phân bón với một trong các loại hàng hóa khác như lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thức ăn chăn nuôi, thuốc y tế, thuốc thú y; buôn bán phân bón trong giai đoạn đang nghiên cứu, khảo nghiệm, dự án sản xuất thử nghiệm khi chưa có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), bình quân mỗi năm phát hiện, xử lý trên 3.000 vụ phân bón giả kém chất lượng. Hằng năm cục đã kiểm tra hàng ngàn hộ kinh doanh phân bón, với hàng trăm hộ vi phạm. |
Phạt tiền từ 5 – 7 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Tự ý viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa, làm thay đổi nội dung trong giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; buôn bán phân bón trong thời gian đang bị đình chỉ hoạt động buôn bán hoặc tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; buôn bán phân bón đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
Trường hợp buôn bán phân bón khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón sẽ bị phạt từ 7 - 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi buôn bán phân bón có yếu tố hạn chế vượt mức giới hạn tối đa.
Đối với hành vi vi phạm về buôn bán phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón hết hạn sử dụng, Bộ NNPTNT đề xuất phạt cảnh cáo đối với trường hợp phân bón có giá trị dưới 1 triệu; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 80 triệu đồng tùy giá trị lô phân bón từ 1 đến dưới 200 triệu đồng.
Số tiền xử phạt trên được áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Tổ chức vi phạm bị xử phạt gấp 2 lần cá nhân.
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trồng trọt cũng nêu rõ, đối với hành vi buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì phạt tiền từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Vi phạm lĩnh vực phân bón ngày càng tinh vi, phức tạp Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), các hành vi vi phạm lĩnh vực phân bón ngày càng tinh vi, phức tạp, từ kinh doanh phân bón giả không có giá trị sử dụng, phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, phân bón không giấy phép sản xuất,… đến không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định, bán phân bón phải có dấu hợp quy nhưng không có dấu hợp quy... Đặc biệt là hành vi kinh doanh các loại phân bón nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam hay người trực tiếp bán phân bón không có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn phân bón, không niêm yết thông báo phát hành hoá đơn, để lẫn phân bón với các hàng hoá khác, ghi nhãn mập mờ về thành phần, chỉ tiêu chất lượng, ghi bằng tiếng nước ngoài nhằm gây nhầm lẫn về xuất xứ... Lợi dụng lòng tin của người nông dân áp dụng khuyến mại, bán trả tiền sau để tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng... |