Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria rạng sáng 6-2 (giờ địa phương) hứng chịu thảm họa động đất 7,8 độ. Do cường độ mạnh lại ập đến lúc mọi người còn đang say giấc nên đã gây thiệt hại vô cùng lớn về người và của ở cả 2 quốc gia này.
Báo cáo với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 28-2, ông Martin Griffiths cho biết sau 3 tuần xảy ra thảm họa ít nhất 50.000 người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương, hàng chục ngàn người khác vẫn mất tích và hàng trăm ngàn người mất nhà cửa.
Quan chức phụ trách vấn đề nhân đạo và cứu trợ của Liên Hiệp Quốc cho nêu rõ ít nhất 44.000 người đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và khoảng 6.000 người ở Syria - chủ yếu ở khu vực Tây Bắc do phe đối lập chiếm giữ.
Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric kêu gọi nhanh 397,6 triệu USD để giúp các nạn nhân trận động đất ở Syria nhưng mới nhận được tài trợ 42%. Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi 1 tỉ USD cho các nạn nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chỉ được 7,4%. "Số tiền này chỉ đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp trong ba tháng tới" - ông Stephane Dujarric nhấn mạnh.
Nhiều người vẫn còn đang mất tích sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6-2 Ảnh: REUTERS
Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths cho biết đã đến thăm Syria sau thảm họa. Ông mô tả tình hình ở đây vô cùng khó khăn, người dân cần hỗ trợ khẩn cấp trong bối cảnh lạnh giá và cơ sở hạ tầng bị phá hủy.
"Những đánh giá ban đầu cho thấy 5 triệu người ở Syria cần nơi trú ẩn cơ bản và hỗ lương thực khẩn cấp. Ở nhiều khu vực, 4 đến 5 gia đình chen chúc trong lều, không có cơ sở vật chất đặc biệt dành cho người già, người mắc bệnh mãn tính hoặc người khuyết tật" - ông Martin Griffiths nói.
Ngoài ra, ông Griffiths cũng báo cáo trước Hội đồng Bảo an rằng hàng trăm tòa nhà có nguy cơ sụp đổ cao, hàng ngàn tòa nhà khác có thể cần phải đập bỏ, nguy cơ dịch bệnh đang gia tăng trong bối cảnh dịch tả bùng phát trước trận động đất và giá thực phẩm cũng như các mặt hàng thiết yếu khác đang ở mức cao, tăng cao hơn.
"Phụ nữ và trẻ em phải đối mặt với sự gia tăng quấy rối, bạo lực và nguy cơ bị bóc lột … nhu cầu hỗ trợ tâm lý xã hội cũng là rất lớn" - Phó Tổng thư ký phụ trách vấn đề nhân đạo và viện trợ của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh.
Ông Griffiths cho biết máy móc cần được đưa vào Syria để dọn dẹp đống đổ nát, thiết bị cần thiết cho các bệnh viện tạm thời và cần có công cụ để khôi phục khả năng tiếp cận nước uống.
"Liên Hiệp Quốc đang làm việc để giải quyết những trở ngại ngoài ý muốn do các lệnh trừng phạt và luật chống khủng bố tạo ra, bao gồm các rào cản mua sắm và sự chậm trễ đối với các vật liệu để sửa chữa cơ sở hạ tầng thiết yếu, vật tư y tế hoặc thiết bị an ninh cho các hoạt động của cứu trợ" - ông Griffiths nói thêm.
Theo báo cáo đánh giá nhanh về thiệt hại của Ngân hàng Thế giới công bố hôm thứ 27-2, động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ "đã gây ra thiệt hại vật chất trực tiếp ước tính 34,2 tỉ USD", tương đương 4% GDP năm 2021 của quốc gia này. Báo cáo cũng đánh giá chi phí phục hồi và tái thiết sẽ lớn hơn nhiều, có khả năng gấp đôi.