Giá đất đấu giá vẫn hơn 100 triệu đồng/m2
Trong lúc thị trường bất động sản cả nước ảm đạm, hoạt động đấu giá đất vẫn diễn ra sôi động tại vùng ven Hà Nội. Chỉ tính từ đầu tháng 8 đến nay, có nhiều phiên đấu giá đất được tổ chức thành công tại hai huyện vùng ven là Mê Linh và Đông Anh. Đáng chú ý, có lô đất giá trúng vẫn 100 triệu đồng/m2, gấp 2 lần so với giá khởi điểm.
Đơn cử, tại huyện Mê Linh, chiều 8/8, 20 thửa đất tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm đã được đấu giá thành công. Các thửa đất có diện tích từ 71,5 - 153m2. Giá khởi điểm 27,1 - 39,27 triệu đồng/m2.
Tổng số tiền trúng đấu giá thu về gần 76 tỷ đồng. Trong đó, lô 7 với diện tích 89,91 m2 có mức giá trúng cao nhất là 70,3 triệu/m2.
Chiều 18/8, tổng cộng 18 thửa đất thuộc khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt tại Tổ dân phố số 2, Thị trấn Chi Đông cũng được đấu giá thành công. Các thửa đất có tổng diện tích 2.511,8 m2 (từ 101,6 m2 đến 204,5 m2). Giá khởi điểm bao gồm các mức giá: 35,9 triệu đồng/m2; 40,8 triệu đồng/m2 và 44,8 triệu đồng/m2.
Trong đó, lô LK-02 diện tích 180,7 m2 có mức giá trúng cao nhất là 74,2 triệu đồng/m2, tương đương gần 14 tỷ đồng/lô, mức chênh 6,03 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Bên cạnh đó, một lô ký hiệu LK-14 có diện tích 135 m2 cũng được đấu thành công với mức trúng 72,2 triệu đồng/m2, tương đương 9,7 tỷ đồng/lô, chênh 4,2 tỷ đồng.
Chiều 26/8, huyện này tiếp tục đấu giá 19 thửa đất tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm. Diện tích các thửa từ 75 - 148 m2. Giá khởi điểm được đưa ra ᴅᴀᴏ động trong khoảng 27,1 – 39,2 triệu đồng/m2.
Kết quả, đã có 12 thửa đất được đưa ra đấu giá thành công, giá trúng cao nhất 55,1 triệu đồng/m2, giá trúng thấp nhất 32,3 triệu đồng/m2.
Trước đó, cuối tháng 7, tổng cộng 33 lô đất tại thị trấn Chi Đông thuộc huyện này có giá trúng cao nhất lên tới gần 100 triệu đồng/m2, xác lập mức kỷ lục giá mới.
Tại huyện Đông Anh, sáng 13/8, khu đất X7 thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (Đợt 1), khu đất X2 thôn Mai Châu, xã Đại Mạch và khu đất số 1 xóm Thượng, xã Uy Nỗ được đưa ra đấu giá. Có 100 khách hàng, đăng ký 200 hồ sơ tham gia đấu giá 18 thửa đất với tổng diện tích là 1606,4 m2.
Trong đó, 10 lô đất tại khu đất X7 thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (đợt 1). Giá khởi điểm từ 20,8 - 22,8 triệu đồng/m2, tùy diện tích và vị trí. Thửa đất trúng đấu giá cao nhất với giá 45,6 triệu đồng/m2, thửa đất có giá trúng thấp nhất là 29,8 triệu đồng/m2.
Tại khu đất X2 thôn Mai Châu, xã Đại Mạch khách hàng tham gia đấu giá 5 thửa với tổng diện tích là 390,5 m2. Giá khởi điểm từ 47 - 53,8 triệu đồng/m2. Theo đó, thửa đất trúng đấu giá cao nhất với giá 106,9 triệu đồng/m2. Thửa đất có giá trúng thấp nhất là 97,4 triệu đồng/m2.
Còn tại khu đất số 1 xóm Thượng, xã Uy Nỗ khách hàng tham gia đấu giá 3 thửa đất với tổng diện tích là 236,8 m2. Giá khởi điểm là 20,9 triệu đồng/m2. Kết quả, thửa đất trúng đấu giá cao nhất với giá 41,6 triệu đồng/m2, thửa đất có giá trúng thấp nhất là 35,92 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá là trên 9,38 tỷ đồng, chênh hơn 4,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Mới đây, 19 lô đất tại khu X7 thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà được đấu giá đợt 2. Giá khởi điểm từ 20,8 - 22,8 triệu đồng/m2. Kết quả, thửa đất trúng đấu giá cao nhất với giá 44,7 triệu đồng/m2, thửa đất có giá trúng thấp nhất là 28,9 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá hơn 66,8 tỷ đồng.
Chỉ sau đó vài ngày, sáng 27/8, huyện này tiếp tục tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại khu đất X4 thôn Đoài, xã Kim Nỗ. Cụ thể, khách hàng tham gia đấu giá hai thửa đất với tổng diện tích 150 m2, giá khởi điểm là 40,8 triệu đồng/m2.
Theo đó, thửa đất trúng đấu giá cao nhất với giá 60,6 triệu đồng/m2, thửa đất có giá trúng thấp nhất là 58,8 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá là trên 8,95 tỷ đồng, chênh hơn 2,8 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Bất thường giá đất đấu giá tăng vọt
Các chuyên gia bất động sản cho rằng sự nhiễu loạn của các kênh đầu tư hiện nay bất động sản Việt Nam vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút dòng vốn lớn. Nhưng với sự tăng vọt về giá ở những khu đấu giá đất như thời gian vừa qua lại là biểu hiện của sự "bất thường", có thể mang đến những tác động xấu trong quá trình phát triển.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng việc đấu giá đất cao hơn mức bình thường đó sẽ tạo ra mức giá ảo cho cả thị trường ở khu vực đó. Điều đó sẽ làm bất ổn thị trường và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư chân chính. Người tiêu dùng chắc chắn khi mua sẽ bị thiệt hại. Cái thiệt hại lớn nhất là cả một hệ lụy lớn cho thị trường, làm người ta rất khó đoán định.
"Tôi cho rằng cần phải có sự điều chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước. Trước mỗi cuộc đấu giá đất phải xem lại năng lực của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải chứng minh nếu thắng thì nguồn tiền ở đâu. Thứ hai nếu vì mục tiêu khác bỏ cọc, cơ quan quản lý nhà nước xác định rõ thì phải hồi tố, truy tố đến cùng. Nhà đầu tư vẫn sẽ mất cọc và thu lại những lợi ích bất chính nếu có. Và với những người này sẽ nghiêm cấm không cho tham gia các cuộc đấu giá khác", ông Đính nhận định.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng nhận định lý do "hét" giá cao rồi bỏ cọc có thể là vì khi trúng đấu giá đất cao vượt mức, "cò đất" đã mua rất nhiều mảnh đất xung quanh khu vực có những lô đất vàng đem ra đấu giá trên. Sau đó, những đối tượng này tìm cách đẩy giá lên để có khoảng thời gian bán ra thu lợi. Vì thế, có hiện tượng nhảy vào đấu với mức giá thật cao, mục đích là "thổi" mặt bằng giá bất động sản khu vực đó. Khi đạt được mục đích, đủ khoảng thời gian để bán những mảnh đất đã ôm trước đó kiếm lời.
"Hiện nay, chỉ có giá sàn, giá khởi điểm mà không có giá trần, dẫn đến giá trúng đấu giá ngoài sức tưởng tượng. Việc trả giá cao bất thường như thế chính là phá giá, làm lũng đoạn thị trường. Đã đến lúc cần phải có cơ chế hoặc những quy định để kiểm soát giá trần", ông Thịnh chia sẻ.