Nhu cầu than đá đang tăng mạnh trong khi một số công ty khai thác lớn gặp trục trặc trong sản xuất, dẫn tới giá than tăng mạnh ở khắp nơi trên thế giới, từ Trung Quốc đến Châu Âu, Mỹ…
Giá than khắp nơi trên thế giới lập kỷ lục cao
Giá loại nhiên liệu hóa thạch "bẩn" nhất thế giới càng tăng vọt khi nhiệt độ oi bức ở Bắc Á làm tăng mạnh nhu cầu sử dụng điều hòa không khí, kéo tăng theo nhu cầu than - vốn đã cao do lĩnh vực công nghiệp đang hồi phục mạnh sau đại dịch.
Ngày 3/6/2021, giá than cốc – dùng trong luyện kim – tại Trung Quốc có lúc tăng tới 6%, lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần, do lo ngại nguồn cung than giảm trong khi nhu cầu từ các nhà máy thép hồi phục trở lại.
Giá than cốc kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) kết thúc phiên giao dịch ở mức tăng 4,5% so với phiên liền trước, lên 2.695 CNY (421,65 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 13/5, sau khi có lúc đạt 2.733 CNY. Than luyện cốc phiên này cũng tăng 0,8% lên 1.879 CNY/tấn.
"Thị trường đang ngày càng chú ý đến mục tiêu sản xuất than cốc hàng năm ở tỉnh Sơn Đông vì Đội thanh tra môi trường trung ương sẽ kiểm tra ở đó vào cuối tháng 6", các nhà phân tích của SinoSteel Futures cho biết. Sản lượng than cốc ở Sơn Đông năm nay dự kiến sẽ không đạt 32 triệu tấn. Trong 4 tháng đầu năm, Sơn Đông sản xuất 11,14 triệu tấn than cốc.
Trong khi đó, tại Australia, giá than nhiệt đã đạt mức cao kỷ lục 3 năm do nhu cầu mạnh đối với than chất lượng cao của nước này.
Cụ thể, giá than nhiệt sản xuất tại Thung lũng Hunter ngày 31/5 đạt tới 109 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 7/2018 - thời điểm giá lên tới gần 120 USD/tấn. Cùng thời điểm này năm ngoái, giá than nhiệt Hunter chỉ là 50 USD/tấn do đại dịch Covid-19 mới bùng phát khiến các hoạt kinh tế bị ngừng trệ. Giá than nhiệt giao sau tại Newcastle ngày 3/6 cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2018, là 120,5 USD/tấn, tăng 93% so với một năm trước đây. Giá than nhiệt chất lượng hàng đầu - có hàm lượng năng lượng trên 6000 kilocalories /kg - đạt mức 123,75 USD/kg, cao nhất kể từ năm 2011.
Do nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện ở Trung Quốc tăng vượt quá khả năng cung cấp của các công ty than Trung Quốc, giá than nhiệt chất lượng cao đã tăng gấp hơn 2 lần trong 10 tháng qua.
Giá than Indonesia kỳ hạn giao sau trên Sàn giao dịch Singapore tháng 5/2021 cũng đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại. Giá than nhiệt lượng cao Harga Batubara Acuan hay HBA tháng 5/2021 đã tăng 46,8% so với một năm trước đó, lên 89,74 USD/tấn.
Giá than thế giới tăng mạnh
Giá than Châu Á tăng đột biến đã lan ra toàn cầu. Theo đó, giá than ở Tây Bắc Âu tăng 11% trong năm nay và hiện đạt mức cao nhất 2 năm; than giao ngay ở Pennsylvania năm nay cũng tăng 22%.
Matthew Boyle, trưởng bộ phận phân tích điện năng và than châu Á thuộc S&P Global Platts, cho biết giá than ở Châu Âu châu Âu tăng do thời tiết năm nay ở Châu Âu lạnh hơn bình thường và lượng than dự trữ tại các k kho bãi ở cảng biển sụt giảm. "Đã có sự gián đoạn hoạt động xuất khẩu của Colombia, vốn là nhà cung cấp lớn vào châu Âu, trong khi than đá của Nga được chuyển hướng sang châu Á vì giá bán ở đó cao hơn ở châu Âu", ông Boyle cho biết.
Về thị trường Trugn Quốc, nhà phân tích Rory Simington của Wood Mackenzie cho biết "Thị trường than nội địa của Trung Quốc hiện đang rất eo hẹp nguồn cung do nhu cầu tăng đáng kể và nguồn cung trong nước bị hạn chế nhưng mức nhập khẩu thấp hơn bình thường". Theo ông: "Nguồn cung sẽ khó có thể được cải thiện sớm, ít nhất là từ nay đến tháng 7 sẽ vẫn thiếu than do nhu cầu vào mùa hè, khiến cho tình hình sẽ càng tồi tệ hơn".
Do nhu cầu mạnh, Trung Quốc đã phải trả giá cao hơn để mua than đá từ nước ngoài. Đáng chú ý, họ phải cạnh tranh gay gắt để mua được loại than có hàm lượng năng lượng cao nhất, do chính sách hạn chế nhập khẩu than Australia – khiến khách hàng Trung Quốc không được tiếp cận với nguồn than có năng lượng cao nhất thế giới.
Chính điều này gây tác động ngược về giá. Ví dụ, giá than năng lượng cao của Indonesia được bán cao hơn tới 20% so với than hàm lượng cao của Australia.
Trong tuần qua, khác hàng ở miền Nam Trung Quốc cũng phải mua than đá của Nga (loại 5500 kilocalories /kg) với mức giá cao hơn 50 USD/tấn so với giá than chất lượng tương đương của Australia.
Nhìn chung, theo ông Simington thì "Các nhà nhập khẩu Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thay thế than của Australia. Và chắc chắn là người tiêu dùng Trung Quốc phải chi trả nhiều tiền hơn cho việc mua than so với người tiêu dùng ở những nơi khác – những người có thể mua than Australia".
Trong khi Trung Quốc cấm nhập khẩu than Australia thì giá than Australia vẫn tăng do nhu cầu mạnh từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Nguồn cung than gặp khó
Trong khi nhu cầu than tăng nhanh thì các vấn đề về an toàn mỏ ở Trung Quốc, mưa lớn ở Indonesia và sự gián đoạn sản xuất ở Colombia và sản lượng thấp ở Nam Phi đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng, đồng thời cản trở việc đầu tư vào những mỏ than mới.
Indonesia, hiện là nguồn cung cấp than số 1 cho nền kinh tế lớn nhất châu Á, đã bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lớn. Morgan Stanley cho biết tổng xuất khẩu than của nước này đã giảm xuống thấp hơn 15% so với trước khi xảy ra đại dịch.
Colombia cũng phải đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung vì các cuộc biểu tình. Mỏ Cerrejon chỉ mới dần hoạt động trở lại từ ngày 29/5.
Trong khi đó, sự gián đoạn nguồn cung than ở New South Wale (NSW) đã xảy ra vào tháng 3, khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm cắt đứt tuyến đường sắt vận chuyển giữa các mỏ ở Thung lũng Hunter và cảng Newcastle. Sau đó, hiện tượng thời tiết xấu khác cũng làm giảm khả năng bốc xếp than ở cảng Newcastle trong vài tháng liền.
Thung lũng Hunter là nguồn cung cấp than chính của thế giới, sản phẩm là than hàm lượng năng lượng trên 6000 kilocalories. Sự gián đoạn nguồn cung ở đó trong năm nay đã tạo ra khoảng cách chênh lệch lớn bất thường giữa giá loại than chất lượng cao này và than chất lượng trung bình.
Thông thường, than hàm lượng 5500 kilocalories được bán với giá thấp hơn khoảng 10 USD/tấn so với than NSW - chất lượng hàng đầu, nhưng khoảng cách đó đến cuối tháng 5 vừa qua đã tăng lên gần 50 USD/tấn.
Xuất khẩu than Australia tháng 4 đã tăng mạnh, tăng 8% lên 287 triệu USD, trong đó riêng xuất khẩu sang Ấn Độ tăng 167% lên 116 triệu USD, sau khi tăng đều kể từ giữa năm 2020, sau khi Trung Quốc giảm mua than Australia.
Xuất khẩu than của Việt Nam tăng do nhu cầu cao
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu than các loại trong tháng 4/2021 đạt gần 104 nghìn tấn, giá trị gần 14 triệu USD, tăng gần 167% về lượng và tăng gần 146% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu than trong tháng 4/2021 đạt 134 USD/tấn, giảm 7,8% so với cùng năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu than đạt gần 430 nghìn tấn, trị giá gần 54 triệu USD, giá trung bình 126 USD/tấn, tăng hơn 69% về lượng, tăng 49% kim ngạch và giảm gần 8,4% về giá so với cùng kỳ năm 2020.
Về thị trường, Indonesia là thị trường xuất khẩu than lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 với gần 117 nghìn tấn, tương đương gần 16 triệu USD, tăng 3.293% về lượng, tăng 3.097% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm gần 27% tổng kim ngạch xuất khẩu than của cả nước. Thị trường lớn thứ 3 là Nhật Bản với hơn 100 ngìn tấn, tương đương gần 11 triệu USD, giảm 8% về lượng, giảm 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm gần 23% tổng kim ngạch xuất khẩu than của cả nước. Xuất khẩu sang Thái Lan trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt gần 60 nghìn tấn, tương đương gần 6,5 triệu USD, tăng 104% về lượng, tăng 93% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm gần 14% tổng kim ngạch xuất khẩu than của cả nước.
Tương lai nào cho giá than?
Dự báo xu hướng giá than tăng sẽ còn tiếp diễn, ít nhất là trong ngắn hạn, do nhu cầu mạnh từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc, khi giá thép hồi phục nhanh trở lại.
Phiên 3/5, giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải, kỳ hạn tháng 10, tăng 1,7% lên 5.148 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 2,1% lên 5.490 CNY/tấn; thép không gỉ kỳ hạn tháng 7 tăng 0,2% lên 16.090 CNY/tấn. Giá quặng sắt phiên này cũng tăng thêm 1,9% lên 1.194 CNY/tấn; giá quặng sắt 62% nhập khẩu vững ở mức cao 206,5 USD/tấn.
James Stevenson, trưởng nhóm nghiên cứu về than, kim loại và khai khoáng thuộc IHS Markit Ltd. ở Houston, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy giá có thể tiếp tục tăng mạnh trong quý 4". Theo ông, như lệ thường, câu chuyện của ngành than bắt đầu ở Trung Quốc, nơi khai thác và đốt cháy một nửa nguồn cung của thế giới. Là nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi từ Covid-19, các nhà máy của Trung Quốc đã hoạt động rất "nóng" trong một thời gian dài kể từ khi hồi phục sớm hơn các nước khác sau đại dịch. Tiếp đó là nhu cầu hồi phục ở những nơi khác.
Trong khi đó, một loạt các vụ tai nạn trong khai thác than đã buộc nước này phải siết chặt việc khai thác than, ảnh hưởng đến khả năng tăng sản lượng nội địa.
Giá than cũng được hỗ trợ một phần bởi các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia.
Goldman Sachs Group Inc. mới đây đã nâng dự báo về giá than năm 2021 và 2022, trên cơ sở Newcastle gặp khó trong việc mở rộng các mỏ than mới ở Australia.
Tuy nhiên, Morgan Stanley dự đoán nguồn cung ở bán cầu Bắc sẽ tăng lên, khiến giá than ở khu vực này sẽ giảm xuống. Trong khi đó, IHS cho rằng, mặc dù nhu cầu than tăng ở Trung Quốc, song tiêu thụ than nhiệt (vận tải qua đường biển) trên toàn cầu năm nay sẽ giảm 55 triệu tấn so với năm 2019 do đại dịch nghiêm trọng ở Ấn Độ - nước tiêu thụ than lớn.
Tham khảo: Bloomberg, Afr, Australianmining